[Bốn Khí Chất dành cho Giáo viên] Phần 21: Bản thể bốn phần là gì? Nó có liên quan gì tới các Khí Chất?
Bài viết này sẽ giới thiệu về 1 khái niệm mới, “Bản thể bốn phần”, và khái niệm này liên quan mật thiết tới 4 khí chất luôn ạ. Theo Lá nhận định, thì đây là phần khá quan trọng vì nó có những kiến thức đáng giá thật sự. Mong mọi người chú tâm ạ.
Thấu hiểu về “Bản Thể Bốn Phần”
Trước khi chúng ta đi vào thảo luận về cách cư xử với các khí chất một cách thực tế và theo đường lối sư phạm, trước hết chúng ta hãy dành ít thời gian cho việc định nghĩa 1 số thuật ngữ cần thiết để mở rộng góc nhìn cá nhân của mình, và rồi sau đó quay lại chủ đề chính. Theo một cách khách quan nhất có thể, chúng ta hãy cố gắng so sánh bản thể (vương quốc) con người với ba vương quốc trong tự nhiên: khoáng vật, thực vật và động vật. Chúng ta có những đặc điểm gì chung so với các vương quốc ấy?
Vương quốc khoáng vật
Từ góc nhìn của vương quốc khoáng vật, chúng ta có thể xác định được cơ thể vật chất của mình, vốn được cấu tạo từ nhiều loại vật chất, những chất có thể được tìm thấy trên trái đất, trong các loại khoáng vật. Nếu như chúng ta liên hệ đến tất cả các nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học, thật ngạc nhiên khi chúng ta biết rằng có thể tìm ra được gần như mọi nguyên tố, dù chỉ là một lượng rất ít, trong cơ thể chúng ta.
Cơ thể chúng ta tuân theo định luật hấp dẫn, và trong suốt cuộc đời này, chúng ta phải liên tục tiêu hao năng lượng để đứng thẳng và di chuyển. Chúng ta đề cập về sự thật này khi chúng ta xét bốn khí chất và liên hệ đến những nguyên tố từ trái đất (đất-lửa-khí-nước) .
Khi chúng ta chết đi, cơ thể vật chất của chúng ta không thể nào duy trì được trạng thái của nó và bắt đầu phân rã một lúc sau đó, và sự phân rã này cứ thế tiếp diễn. Chúng ta cũng biết rằng sau một vài năm thì cơ thể sẽ hoàn toàn bị phân rã và trở về với trái đất. Vì vậy mà trong suốt cuộc đời một con người, phải có một sức mạnh nào đó tồn tại để làm nhiệm vụ giữ cho cơ thể vật chất của chúng ta không bị phân rã.

Lễ hội 20-11 năm ngoái tại trường Lá dưới gốc cây phượng
Vương quốc thực vật
Trước khi chúng ta chuyển sang bước kế tiếp, chúng ta hãy xem xét một lúc đến vương quốc thực vật và so sánh nó với những gì mà chúng ta vừa xác định được trong vương quốc khoáng vật. Chúng ta có thể tự hỏi rằng: Thực vật có những khả năng căn bản nào mà chúng ta không thể tìm thấy được trên khoáng vật?
Chúng ta sẽ khám phá ra rằng thực vật có một khả năng tự nhiên, sinh ra đã có, là khả năng phát triển. Sau khi ra hoa, thì chúng sản sinh ra quả và hạt, vì thế mà chúng có khả năng sinh sản. Thông qua việc dọn cỏ, chúng ta đều biết rõ rằng cỏ sẽ mọc trở lại, rằng thực vật có khả năng mà chúng ta gọi là khả năng tái tạo. Nếu như chúng ta đặt câu hỏi rằng thực vật có kết nối đặc biệt mạnh mẽ đến khí chất nào, thật nhanh chóng để nhận ra rằng chúng luôn cần độ ẩm và lượng nước vừa đủ. Nếu như chúng ta không cho chúng đủ nước, thì chúng sẽ chết. Và điều này còn có nghĩa là ta đang tạo ra sự sống thông qua công việc ấy. Chúng ta cũng tìm ra thứ sức mạnh duy trì sự sống kiểu thế này bên trong những con thú và trong con người, đi kèm với khả năng phát triển, sinh sản và tái tạo. Trái lại, khoáng vật thì lại không tồn tại theo cách này. Chúng không chết cũng như không sinh sản.
Sức mạnh về sức sống, mà chúng ta bắt gặp bên trong thực vật, động vật và con người, thẩm thấu vào trong cơ thể vật chất và giữ cho nó sống. Và như thế, nó liên tục ngăn chặn quá trình phân rã. Rudolf Steiner gọi cơ quan liên quan đến những sức mạnh về sự sống này là “cơ thể sức sống” (life body) hay “cơ thể phách” (hoặc “cơ thể dĩ thái”, etheric body, ND đặt). Ông ấy dùng thuật ngữ “cơ thể” bởi vì những sức mạnh sức sống đang tuôn chảy bên trong chúng ta xuất hiện, đối với những người có khả năng nhận thức được chúng, dưới dạng một thứ vô hình hoặc là một cấu trúc năng lượng. Ví dụ như, mỗi cái cây có sức mạnh sức sống của chính nó. Và dù nó có héo tàn vào mùa thu, nó vẫn giữ liên kết với hạt giống của chính nó và rồi sinh ra mầm cây mới vào năm sau.
Đối với con người, những sức mạnh về sức sống này được kết nối một cách gần gũi với tất cả những loại chất lỏng bên trong chúng ta, những thứ có liên quan đến hệ thống trao đổi chất và các quá trình tăng trưởng bên trong cơ thể. Rudolf Steiner cũng sử dụng một thuật ngữ sinh động, “kiến trúc sư bên trong chúng ta”, để ám chỉ đến “cơ thể sức sống” bởi vì nó bao bọc và gìn giữ kiến trúc cơ thể của từng cá nhân và có thể chữa lành hoàn toàn một vết thương: một ví dụ thú vị về sự tái tạo.

Các bạn lớp 3 biểu diễn violin trong buổi lễ tri ân ngày nhà giáo cho ba mẹ và các bạn nghe
Vương quốc động vật
Bây giờ hãy cùng nhìn vào thế giới động vật và tự hỏi chính mình rằng: Những khả năng cơ bản nào mà một con vật sở hữu còn cái cây thì không? Chúng ta khám phá ra rằng một con vật có thể tự tìm kiếm thức ăn bằng chính sự chủ động của chúng và di chuyển theo bản năng để đến được nơi chúng có thể tìm thấy thức ăn. Một cái cây không thể di chuyển như thế được. Việc nhiều loại cây, trong suốt một ngày, có thể xoay hoa của mình để đón ánh nắng mặt trời, và vì vậy chúng thực sự di chuyển theo một nghĩa nào đó, không thể nào so sánh được với khả năng di chuyển để tìm kiếm thức ăn của loài vật.
Trái ngược lại với một cái cây, một con vật sở hữu những cơ quan bên trong đảm nhận việc nhận thức theo giác quan, và đó là sự thật chứng minh rằng nó có những giác quan giúp cho nó cảm nhận được thế giới. Những gì mà chúng cảm nhận với các giác quan của chúng sẽ trở thành những kinh nghiệm mà chúng sẽ lưu giữ bên trong theo những cách mà chúng cảm nhận được. Ví dụ như, nhiều loài thú có một khả năng cảm nhận mùi rất mạnh mẽ; một số loài khác thì lại cảm nhận được các vị nhất định. Đối với loài chó, khứu giác của chúng đặc biệt phát triển: Chúng phải ngửi mọi thứ và thực tế là chúng di chuyển dựa theo cái mũi của chúng khi chạy để có thể hít vào mọi thứ mà chúng có thể nhận biết. Còn loài mèo, với thị giác phát triển đặc biệt của chúng, có một cảm nhận mạnh mẽ liên kết với khả năng nhìn của chúng.
So với một cái cây, chúng ta nhận thấy rằng một con vật có một phần tâm hồn mà nó không chỉ có thể cảm nhận được bên trong nhưng còn có thể thông qua nó để liên kết đến thế giới xung quanh. Rudolf Steiner gọi khái niệm liên quan đến phần tâm hồn này, thứ mà tự thể hiện ra rằng nó mang hình dáng của một cơ thể, là “cơ thể cảm xúc” (soul body/ astral body). Con người cũng sở hữu một cơ thể như thế. Có rất nhiều thứ bên trong chúng ta như nỗ lực, nghị lực, khao khát và cảm xúc, và thông qua thể cảm xúc này, chúng ta có thể trải nghiệm được niềm vui, nỗi khổ và đau đớn. Khả năng cảm giác và cảm nhận của chúng ta bằng các giác quan có kết nối gần gũi với quá trình hít thở, và chính vì vậy cũng liên kết với nguyên tố khí. Khi chung ta hít vào và thở ra không khí, phần tâm hồn bên trong chúng ta sẽ luân phiên thay đổi sự tập trung của nó ra bên ngoài một lúc và rồi lại vào bên trong.

Lễ xong thì đến hội chơi hihi
Vương quốc con người
Cuối cùng, khả năng cơ bản nào mà con người sở hữu nhưng chúng ta không thể nào tìm thấy trong một con thú? Chúng ta là những sinh vật sở hữu khả năng học hỏi mạnh mẽ. Ngay từ bé chúng ta đã có thể quan sát những người khác để có thể phát triển những khả năng cơ bản. Những khả năng này bao gồm việc đứng thẳng, bước đi, nói và suy nghĩ. Những đứa bé bị bỏ rơi và được nuôi nấng bởi các con thú như là sói, cáo hay gấu sẽ học cách để bò trên bốn chi và rồi thì, sau khi được trở về với bàn tay chăm sóc của con người, chỉ có thể phần nào học cách đứng thẳng – điều kiện tiên quyết để có thể học cách bước đi, nói và suy nghĩ thông qua cách bắt chước, thử nghiệm, thất bại và rồi thành công. Phần lớn những đứa trẻ này đã học cách bước đi, nhưng chỉ một ít trong số chúng có thể phát triển khả năng nói, và không ai trong số chúng phát triển khả năng suy nghĩ một cách đầy đủ.
Cho đến năm hai hoặc ba tuổi, những đứa bé sẽ sử dụng chính tên của mình để nói về chính bản thân chúng. Nhưng rồi đột nhiên vào một ngày nọ, chúng lần đầu tiên có ý thức về bản thân mình và cảm thấy mình mang một bản ngã, một “cái Tôi”. Cái ý thức về bản thân này là một đặc điểm đặc trưng của con người mà chúng ta không thể nào thấy được ở con vật. Chỉ một số ít trong số những trẻ bị bỏ rơi có thể có ý thức về bản thân như thế này, và sự thật về việc rằng không ai trong số chúng sống được quá chín năm cho chúng ta thấy rằng những khả năng cơ bản được miêu tả ở trên là cần thiết cho sự sống của con người. Ba khả năng liên quan đến bản ngã hay “cái Tôi” – đứng thẳng, nói, và một ý thức về bản thân để có thể suy nghĩ – không hề tồn tại trên một con vật.
Như vậy, tồn tại một sức mạnh tâm linh để duy trì và là đặc tính của riêng loài người. Mỗi con người chúng ta dùng từ “Tôi “ để nói về chính mình. Với vai trò là một sinh vật mang cả phần thể xác và tâm linh, từng con người có một bản ngã để tách biệt bản thân mình ra khỏi mỗi con người khác. Bản ngã này phát triển trong suốt cuộc đời ta và học tập thông qua những trải nghiệm trong cuộc sống. Ngay từ khi mới ra đời, sức mạnh bản ngã đã hoạt động bên trong chúng ta: Nó nâng chúng ta đứng thẳng lên vào năm đầu tiên trong đời, giúp chúng ta đứng vững và dẫn dắt chúng ta bước từng bước vào đời. Nó tỏa ra từ đôi mắt rạng rỡ của một đứa trẻ khi nó tự mình đứng lên lần đầu tiên trong đời.

Trò đu dây ở cây phượng vẫn là một trong những trò yêu thích của các con
4 bản thể trên có liên quan gì tới 4 khí chất?
Giống như các khía cạnh khác trong con người chúng ta, khi ta xem xét đến yếu tố đã giúp cho bản ngã của ta hoạt động trong cơ thế, ta có thể thấy đó chính là hơi ấm (nguyên tố lửa) đang lưu chuyển bên trong chúng ta. Khi chúng ta bị sốt, chúng ta cảm nhận được hơi ấm này phát ra từ nhiệt độ trong cơ thể; còn khi bị tê cóng hay đóng băng, chúng ta cảm thấy rằng hơi ấm bên trong chúng ta không đủ để chống lại cái lạnh đang xâm nhập vào trong cơ thể. Bản ngã của chúng ta âm thầm duy trì và điều chỉnh nhiệt độ bên trong cơ thể cho chúng ta.
Chúng ta có thể kết luận rằng: Mỗi người đều có bốn phần khác nhau như được đề cập ở trên. Rudolf Steiner đã gọi chúng như là các “thành viên” hay “thành phần” của con người. Và chúng ta sẽ gọi chúng thông qua các thuật ngữ bản ngã, thể cảm xúc, thể sức sống (hay thể dĩ thái), và thể xác.
Những tác động của bốn phần trong cơ thể chúng ta có thể được quan sát thông qua bốn yếu tố trong các thế giới của tự nhiên cũng như là trong con người, và vì thế mà chúng ta có thể kết luận như sau: Dựa trên sự thật rằng con người chính là thứ đang chứa đựng bản ngã và đồng thời cũng được duy trì bởi nó, bản ngã có thể biến đổi ba phần còn lại kia trong con người chúng ta.
Để hiểu được điều này, chúng ta hãy cùng xét lại một cái cây: bên cạnh thể xác của nó, nó còn có thể sức sống. Và điều này là nguồn gốc của sự đa dạng về mặt hình thể của thực vật, phụ thuộc vào loài của chúng, và rồi chúng ta có thể kết luận rằng những loại thực vật, bông hoa hay cái cây khác nhau chính là hình ảnh vật chất của phần sức mạnh sức sống vô hình đang hoạt động bên trong nó.

Ngày đặc biệt nên hình như ngôi trường cũng đặc biệt lộng lẫy không kém
Khi quan sát các con thú, chúng ta nhận ra thể cảm xúc của chúng có ít khác biệt ở các loài động vật bậc thấp nhưng lại rất khác biệt ở các loài động vật bậc cao hơn. Nó chi phối thể sức sống và cấu tạo lại nó, và rất nhiều hình dạng cơ thể động vật khác nhau đã được sinh ra với sự giúp sức của nó. Vì vậy mà chúng ta có thể nói rằng từng loài động vật chính là hình ảnh từ phần sức mạnh của thể cảm xúc đang hoạt động bên trong nó.
Bên trong con người, các sức mạnh và năng lực giúp ta thay đổi hiện đang nằm sâu bên trong chúng ta. Đầu tiên, bản ngã chi phối lấy thể cảm xúc, thay đổi nó, và rồi cấu tạo lại thể sức sống với sự trợ giúp của thể cảm xúc. Điều này cuối cùng dẫn đến một sự tái tổ chức hay sự biến đổi xảy ra nơi phần thể xác, vì vậy chúng ta có thể nói rằng thể xác của ta cũng là một hình ảnh biểu hiện cho những sức mạnh bản ngã bên trong chúng ta. Bản ngã của ta thẩm thấu vào trong tất cả các phần của con người ta, và trong suốt hành trình cuộc đời của ta, nó cũng có thể tự thay đổi chính nó, phát triển cao hơn hoặc thậm chí là dạy cho chính nó.
Chúng ta hãy cùng xem xét về một biểu hiện thú vị mà chúng ta thường ít khi nghĩ tới nó. Chúng ta thật sự đang có ý gì khi ta nói rằng: “Tôi dạy (hoặc giáo dục) cho chính mình” ? Điều đó liệu có phải đang ngụ ý rằng thật ra có tới hai bản thể trong chúng ta – một bản thể đang làm nhiệm vụ giáo dục và biết cách để dạy dỗ, và một bản thể thì đang chịu sự giáo dục? Trong cả hai trường hợp thì chúng ta đang nói về bản ngã. Bản ngã làm nhiệm vụ giáo dục phải là thứ vĩ đại hơn, thông thái hơn và quan trọng hơn nữa là nó đã nắm vững được khả năng dạy học hoặc giáo dục, và nó phải ý thức được về những mục đích và mục tiêu của phần bản ngã kia. Rudolf Steiner gọi nó là phần “thượng bản ngã” (higher ego) hay là “cái ta vĩnh hằng” (eternal individuality) đang tồn tại trong mỗi người. Nó là một thực thể mang tính tâm linh tồn tại trong chúng ta và đại diện cho một thứ tồn tại vĩnh hằng bên trong chúng ta. Chúng ta cảm nhận được nó đang hợp nhất cùng chúng ta từ kiếp này đến kiếp khác và liên tục phấn đấu để phát triển chính nó. Đối nghịch với nó là thứ mà chúng ta có thể đơn giản gọi là “cái Tôi” hay “bản ngã”. Và đây là thứ mà chúng ta sẽ dùng để nói đến khi chúng ta xét đến các khí chất và thấy được chúng trong các kết nối với những gì mà chúng ta đã khám phá trong chương này.
Bài viết liên quan:
Trẻ...
Nhữ...
Giờ...
Môn...
Môn...
Môn...