6 bài tập rèn luyện sự chánh niệm theo phong cách Steiner – Giới thiệu tổng quan
Xin chào mọi người,
Chánh niệm là gì?
Lúc chưa chánh niệm, thì chẻ củi sẽ nghĩ đến việc gánh nước. Gánh nước, sẽ nghĩ đến việc rửa chén. Rửa chén, sẽ nghĩ đến việc chẻ củi.
Khi chánh niệm, thì lúc chẻ củi sẽ nghĩ đến việc chẻ củi. Gánh nước, sẽ nghĩ đến việc gánh nước. Rửa chén, sẽ nghĩ đến việc rửa chén.
Chánh niệm, là sống trọn vẹn với hiện tại. Ở đây. Và bây giờ.
Việc sống trong chánh niệm rất quan trọng, nếu không nói là một nền tảng cơ bản để bạn có thể sống đúng và trọn vẹn cuộc sống của mình.
“You will not be good teachers if you focus only on what you do and not upon who you are.” -Rudolf Steiner
“Bạn không thể trở thành một thầy cô giáo tốt nếu bạn chỉ tập trung vào thứ mà bạn đang làm, thay vì tập trung vào việc bạn là ai”
Để trở thành một nhà giáo tốt, bạn hãy tập trung vào việc phát triển bản thân. Và, chánh niệm là con thuyền sẽ đưa bạn đến đó.
Rudolf Steiner đã đưa ra 6 bài thực hành đơn giản để bạn có thể phát triển và thanh lọc tư duy, tình cảm và ý chí. Hay nói cách khác, để bạn có thể đạt được sự chánh niệm. Bởi vì chỉ khi bạn có những suy nghĩ đúng đắn (chánh = đúng, niệm = suy nghĩ), thì bạn mới có thể đạt được sự chánh niệm. Chúng được gọi là các bài thực hành cơ bản hoặc các bài tập bổ sung (tiếng Đức: Nebenzigungen) bởi vì bạn có thể thực hành chúng bên cạnh thiền định. Ngay cả khi bạn không muốn thiền, thực hành những bài tập này vẫn rất bổ ích. Bạn có thể hiểu rõ bản thân hơn đồng thời cuộc sống cũng sẽ trở nên thú vị.
Tư duy, tình cảm và ý chí là những thể của tâm hồn. Bằng cách thực hành – đầu tiên là từng thể riêng biệt (tư duy, tình cảm, ý chí) và sau đó kết hợp lại – bạn có thể phát triển tâm hồn của mình.
Tại sao cần tập 6 bài thực hành này?
Trong thiền định, tư duy, tình cảm và ý chí trở nên tách rời nhau và có thể có diễn tiến riêng.
Trong cuộc sống bình thường cũng vậy, người ta có thể quan sát sự mất kết nối giữa tư duy, tình cảm và ý chí. Bạn cảm nhận một điều gì đó nhưng lại suy nghĩ về cái khác, không có kết nối với cảm nhận đó. Ví dụ. bạn có thể cảm thấy thương hại, nhưng bạn nghĩ: ‘đó không phải là vấn đề của tôi’. Hoặc bạn làm điều gì đó mà bạn không hề nghĩ đến rồi sau đó bạn không hài lòng. Ví dụ. bạn xem tivi và thấy ai đó ăn đậu phộng, bạn vào bếp lấy một ít và ăn chúng, rồi bạn nghĩ: ‘Tại sao tôi lại ăn đậu phộng, tôi có muốn làm điều đó không?’. Với những bài tập này bạn sẽ tăng cường tích hợp cả ba thể.
Đôi khi những điều bạn nghĩ, những điều bạn cảm nhận và những điều bạn làm sẽ tự động xảy ra, và trong đó, một số suy nghĩ, cảm xúc và hành động sẽ không được đẹp. Bằng cách thực hiện các bài thực hành cơ bản dưới đây, bạn có thể thanh lọc chúng.
Nội dung 6 bài thực hành là gì?
- Kiểm soát suy nghĩ – nhằm đạt được sự kiểm soát đối với những gì bạn nghĩ.
- Kiểm soát ý chí – nhằm kiểm soát hành động của bạn.
- Quân bình – bài thực hành cảm xúc – nhằm mục đích nhận biết được cảm xúc của bạn, làm giảm cảm xúc mạnh và củng cố những cảm xúc yếu để cân bằng chúng.
- Trạng thái tích cực – nhằm thấy được mặt tích cực bên cạnh sự tiêu cực và cái xấu. Trong bài tập này, suy nghĩ và cảm xúc được kết hợp.
- Mở tâm – nhằm mục đích luôn mở tâm mình với những trải nghiệm mới. Trong bài thực hành này cảm xúc và ý chí được kết hợp.
- Tâm hồn hài hòa – là bài thực hành thứ sáu, trong đó các bài tập trước cần được thực hành để tạo ra sự hài hòa giữa tư duy, tình cảm và ý chí.
Bạn sẽ nhận được điều gì khi tập 6 bài thực hành này?
- Nhận thức rõ hơn về cách bạn suy nghĩ, cảm nhận và hành động.
- Tăng khả năng làm chủ tư duy, tình cảm và hành động.
- Có suy nghĩ, cảm nhận và hành động rõ ràng hơn.
- Tạo ra một tổng thể hài hòa của tư duy, tình cảm và ý chí.
Những lưu ý khi tập
- Bạn có thể thực hành một mình hoặc theo nhóm. Khi thực hành trong nhóm, bạn có thể trao đổi kinh nghiệm, động viên lẫn nhau và duy trì thực hành trong thời gian dài hơn. Các bài thực hành này có vẻ dễ làm, nhưng không dễ để duy trì trong bốn tuần. Có vẻ như cuộc sống hàng ngày rất bận rộn đến nỗi bạn không có thời gian để thực hành. Sẽ khá hữu ích khi bạn viết ra trải nghiệm của mình mỗi ngày: bạn đã hoàn thành bài tập nào và trải nghiệm đó đã diễn ra thế nào.
- Mặc dù Steiner đã đưa ra nhiều thông tin về thời lượng thực hành, theo khuyến nghị, đa số các bài thực hành nên cần được thực hiện liên tục và theo thứ tự trong bốn tuần. Sau khi thực hành được bốn tuần, các kỹ năng sẽ trở thành thói quen và được hấp thụ vào thể sức sống của bạn.
- Khi bạn bắt đầu một bài thực hành, tuần đầu tiên bạn sẽ rất nhiệt tình vì sự mới lạ của bài tập. Vì vậy, đầu tiên bạn sẽ được tạo động lực thực hành. Sau đó, trong một thời điểm ở tuần đầu tiên hoặc thứ hai, sự mới lạ biến mất và bạn phải tự lực cánh sinh – bằng cách tạo ra nội lực bên trong. Việc thực hành trở nên khó khăn hơn, bạn cần đầu tư nhiều hơn, điều này cũng làm cho hiệu quả của bài thực hành mạnh hơn.
- Có thể khá hiệu quả nếu bạn thực hiện một tuần một bài tập và sau đó thực hiện bài tiếp theo – vì vậy bạn có thể thực hành các bài tập luân phiên mỗi tuần. Tuy nhiên, cách bạn thực hiện các bài tập là tùy thuộc vào khả năng và sự hứng thú của bạn mà thôi.
Kết
Hãy nghiêm túc thực hành, nhưng đừng quá nghiêm trọng; việc thực hành không nên là nghĩa vụ. Cứ tận hưởng thôi, điều đó sẽ giúp bạn tiến xa hơn!
Bài viết liên quan:
Vớ...
Rud...
Chu...
Mố...
Giờ...
Ta ...