[Bốn Khí Chất dành cho Giáo viên] Phần 25: Khi tính lửa ngồi cạnh tính lửa trong lớp, chuyện gì sẽ xảy ra?

Ta sẽ xem xét tình huống cuối cùng về cách hai bé tính lửa sẽ cư xử thế nào khi chúng ngồi cạnh nhau trong lớp. Cả hai bé đều muốn là người xong việc trước! Một bé nghĩ rằng: “Bạn ấy luôn muốn mình là người hoàn thành trước tiên! Chỉ giỏi khoe mẽ! Mình mà làm nhanh hơn thì bạn ấy sẽ phát điên lên mất! Đôi khi bạn ấy còn xấu tính nữa! Thật không chịu nổi mà! Rồi bạn ấy còn muốn đánh nhau với mình nữa, ngay cả khi mình chẳng đụng chạm gì bạn ấy! Nếu như vậy thì mình cũng muốn chơi cho ra trò một phen …” Và còn bé kia thì cũng suy nghĩ theo cách tương tự; chúng ta có thể cho là bé cũng sẽ nói những lời như thế.

 

Trong ba ví dụ đầu tiên, chúng ta đã thấy rằng, trong khi bé tính lửa có thể khó chịu về đặc điểm tính cách của người bạn ngồi cạnh bên, bé đồng thời cũng cảm thấy những hành vi của mình là đúng đắn và bé vượt trội hơn những bạn khác. Nhưng khi bé ngồi cạnh một bạn có cùng khí chất, một điều đặc biệt đã xảy ra, và điều này đều chính xác đối với cả bốn khí chất. Điều này xảy ra là vì bé thấy được hình ảnh bản thân mình phản chiếu lại từ khí chất của người bạn kia. Bé đối mặt với chính mình, một cách vô thức nhận ra chính mình và rồi ghét những đặc điểm của chính bé mà bé thấy được ở bạn kia. Trong quá trình này, một ước muốn vô thức để trở thành một con người khác xuất hiện, nhằm “làm giảm bớt” khí chất chủ đạo của bé. Điều này cũng tương tự với trường hợp của người lớn, nhưng mà họ phải bỏ ra rất nhiều công sức để đạt được những gì mà những đứa trẻ có thể hoàn thành một cách vô thức khi mà các bé có khí chất giống nhau được xếp ngồi cạnh nhau.

Túi sáo do các bạn dệt

Túi sáo do các bạn dệt

Giờ thì chúng ta đã có thể hiểu được đề nghị của Rudolf Steiner về việc xếp các bé có khí chất tương tự ngồi cạnh nhau trong lớp. Các bé tính lửa ngồi cạnh các bé tính lửa khác, các bé tính khí ngồi cạnh các bé tính khí khác, các bé tính đất ngồi cạnh các bé tính đất khác, và các bé tính nước ngồi cạnh các bé tính nước khác. (Khi đề cập đến các bé tính nước, ông có nhấn mạnh thêm một chút. Sau giờ học, các bé tính nước nên chơi với các bé khác để có thể học hỏi những ý tưởng và thấy được nỗ lực từ chúng, và rồi các bé có thể được kích thích nhiều hơn.)

 

Thỉnh thoảng các giáo viên lại lo ngại rằng họ có thể phạm sai lầm trong việc sắp xếp chỗ ngồi nếu như họ chưa nhận dạng được chính xác khí chất của một bé. Tôi luôn phải phản đối vì một người giáo viên chỉ phạm sai lầm khi họ không lo ngại đến việc ấy! Bởi vì tất cả các bé đều có cả bốn khí chất, sự tương tác luôn luôn diễn ra đến cả bốn khí chất của bạn bên cạnh bé. Nếu như chúng ta nhận dạng được khí chất chủ đạo của một bé, hay là một sự pha trộn của nhiều khí chất, và chúng ta khám phá ra được một trẻ khác có đặc tính tương tự, thì một sự sắp xếp chỗ ngồi phù hợp sẽ tạo ra môi trường cho cả hai bé, nơi các bé có thể hoạt động và làm hài hòa chính các bé thông qua những hình ảnh phản chiếu của nhau.

 

Quá trình học hỏi về cách xếp chỗ trong lớp đã đưa chúng ta gần hơn với câu hỏi về nguyên tắc cơ bản trong việc xử sự với các khí chất. Ta có thể tổng kết lại các khái niệm quan trọng mà chúng ta sẽ thường nghe tới, và chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc thấu hiểu được những việc sẽ diễn ra sau đó. Hippocrates đã đưa ra hai định luật như sau: “Các khí chất giống nhau sẽ chữa lành cho nhau, các khí chất giống nhau sẽ giúp nhau tự nhận dạng được chính bản thân chúng.” Còn trong lớp học, chúng ta có thể kết luận rằng: “Các bé có khí chất giống nhau sẽ được xếp ngồi cạnh nhau.”

Đế ly do các bạn móc len mà thành

Đế ly do các bạn móc len mà thành

Sự “phản chiếu” đang diễn ra trong vô thức sẽ dẫn đến một sự nhận biết sâu sắc về bản thân. Và chính việc này sẽ thuyết phục bản ngã của chúng ta bắt đầu tiến hành một quá trình trong vô thức, và rồi sẽ dẫn đến một sự “giảm bớt” dần dần đến khí chất đang được phản chiếu kia. Và kết quả là dần dần theo thời gian, bốn khí chất sẽ đạt được một sự hòa hợp ngày càng mạnh mẽ hơn.

 

Định luật của Hippocrates, “Các khí chất giống nhau sẽ chữa lành cho nhau”, chính là nguyên lý chữa trị căn bản của y học vi lượng đồng căn và có lẽ chúng ta không cần phải bàn cãi đến. Nhưng còn về kết luận của chúng ta, “Các bé có khí chất giống nhau sẽ được xếp ngồi cạnh nhau”, thì ta không nên ngầm hiểu rằng ta đang dùng nó để chữa trị khi chúng ta áp dụng với các khí chất khác nhau. Cần phải nhấn mạnh lại một lần nữa rằng, chừng nào mà các khí chất còn không gây ra tình trạng tiêu cực hay vượt ngoài tầm kiểm soát, thì chừng đó chúng ta đừng nên so sánh chúng với các loại bệnh tật.

 

Làm thế nào để chúng ta có thể hiểu được sự hòa hợp này kỹ càng hơn? Để minh họa, tôi có thể trích dẫn một câu chuyện của tôi với một người bạn làm nghề quản lý rừng. Tôi phải nhờ anh ta đến chỗ của tôi và cho tôi vài lời khuyên chuyên môn bởi vì vườn nhà tôi có quá nhiều cây đang mọc. Ngay lập tức anh ấy chỉ thẳng đến một cái cây to đang vươn cao lên phía trên và che khuất bóng ba cây nhỏ hơn nên chúng không thể nào phát triển được. Vì thế nên chúng vẫn còn còi cọc và xấu xí. Anh ta bắt đầu tỉa bớt cành của cái cây to ngay lập tức để cho các cây nhỏ hơn có thêm nhiều không gian và ánh sáng. Anh ta đã đoán rằng chỉ vài năm nữa thôi tôi sẽ phải kinh ngạc trước sự hài hòa tuyệt vời của bốn cái cây này. Và anh ta đã chứng minh là mình đúng.

Bảng cửu chương nè

Bảng cửu chương nè

Chúng ta hãy so sánh cái cây to đang vươn cao lên phía trên và chèn ép các cây khác kia với khí chất chủ đạo. Nó kiềm chế các khí chất khác và gần như không cho chúng gây ra ảnh hưởng nào cả. Và khi nó được “làm giảm bớt”, cũng giống như khi ta tỉa bớt cành cây, thì các cây khác có thể có thêm sức mạnh, gây ra các tác động tích cực lên nhau và cuối cùng kết quả là chúng sẽ có một sự thống nhất hài hòa tuyệt vời.

 

Tôi có thể trích dẫn thêm một ví dụ nữa mà tất cả chúng ta đều có thể dễ dàng tưởng tượng: Trong một nhóm các công nhân, có một người luôn luôn muốn tạo ra ấn tượng, thích được là trung tâm của sự chú ý và cố gắng chèn ép những người khác. Và anh ta không nhất thiết phải là sếp. Những người khác cảm thấy mình không thể nào phát triển đầy đủ được; họ phải kềm nén bản thân và vì vậy cảm thấy như mình đang bị áp bức. Và khi anh kia đột nhiên đi nghỉ mát hoặc là vắng mặt vì một lý do khác, bầu không khí của cả nhóm thay đổi hoàn toàn. Mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm, họ bộc lộ những khía cạnh chưa từng được biết đến trong tính cách của mình và trải qua thời gian làm việc thân thiết cùng nhau – cho đến khi cái chuyến đi kia kết thúc. Nhưng chúng ta hãy giả định rằng anh kia bị mắc một căn bệnh khá nghiêm trọng và không thể nào đến làm việc trong một thời gian dài, và rồi khi trở lại thì anh ấy như một người hoàn toàn khác (những trường hợp như thế này không phải là hiếm như các bạn nghĩ!): Tình huống này có thể được so sánh như một sự “giảm bớt” các khí chất. Từ bây giờ, một sự hòa hợp mới có thể xuất hiện trong nhóm, và người từng ra vẻ thống trị trước kia có thể gắn kết cùng nhóm theo một cách hoàn toàn mới.

 

Hoàn toàn là hợp lý khi ta sử dụng thuật ngữ “hài hòa”, vốn được dùng trong âm nhạc, khi miêu tả sự hòa hợp trong sự tương tác của con người và sự hài hòa của các khí chất.