[Bốn Khí Chất dành cho Giáo viên] Phần 24: Cách xếp chỗ ngồi cho các bé trong lớp dựa theo khí chất

Rudolf Steiner đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xếp chỗ cho các bé trong lớp dựa theo khí chất của chúng. Nhưng những loại khí chất nào nên được xếp ngồi cùng nhau để chúng có thể mang ảnh hưởng tích cực cho nhau? Một cách tự nhiên, các bạn có thể nghĩ về các khí chất đối nghịch nhau, ví dụ như xếp một bé tính lửa cạnh một bé tính nước. Liệu bé tính lửa có thể dung hòa được khí chất quá mức của mình bằng cách này? Liệu bé có thể nào từng bước vượt qua nó, “làm giảm bớt” nó?

 

Chúng ta hãy tưởng tượng ra bốn khả năng khác nhau. Và chúng ta sẽ chọn một tình huống diễn ra trong lớp như sau để cùng nhau xem xét: Vào gần cuối tiết học chính, các bé phải chép một đoạn văn từ bảng đen vào vở, và rồi cô bảo các bé để đồ dùng sang một bên vì cô muốn kể một câu chuyện lúc cuối giờ.

Chơi ô ăn quan cùng ba mẹ nè

Chơi ô ăn quan cùng ba mẹ nè

  1. Khi bé tính lửa ngồi cạnh bé tính nước

Bé tính lửa sẽ xử sự như thế nào? “Ôi các cậu ơi, tới giờ kể chuyện rồi này!” Bé mở cặp ra! Cho quyển vở vào trong! Nhét hộp bút vào! Rồi đến lượt mấy cây chì màu! Xong! Ôi không! Mình quên một món rồi! Vậy thì chẳng cần nhét nó vào trong! Cứ để đại lên trên là được! Giờ thì mình có thể nghe kể chuyện rồi!” Bé tính nước ngồi cạnh bên vẫn miệt mài ngồi viết và viết – chậm rãi – điềm tĩnh – rồi bé vẫn chưa làm xong – bé chưa hề nhận ra rằng cô giáo đã bảo bé phải xếp mọi thứ sang một bên – bé vẫn cứ thế tiếp tục viết đều đều …

 

Và bé tính lửa trông thấy điều này! Và bé sẽ làm gì trong thời điểm đó? Liệu bé có thích thú với sự điềm tĩnh kia, và hành động đó có thể tác động làm cho bé trở nên bình tĩnh hơn? Liệu rằng phong thái ôn hòa và ung dung kia có thể nào được truyền sang cho bé? Bé chỉ có một mục đích duy nhất là muốn lắng nghe câu chuyện, và bé chú ý rằng bạn ngồi cạnh bên mình đang khiến mọi thứ trễ nải bởi phản ứng chậm chạp của bạn!

 

Không thể nào! Bé bèn giúp bạn một tay! Bé giật lấy quyển vở đang còn nằm ngay trên bàn! Túm lấy cặp của bạn! Nhét quyển vở vào trong! Giờ thì đến mấy cây chì màu! Vậy là bắt đầu kể chuyện được rồi!

 

Và điều gì đang diễn ra bên trong bé tính nước? Liệu rằng những hành động của bạn tính lửa có giúp bé làm hài hòa khí chất của mình, và rồi bé có thể tỏ ra hăng hái, mạnh dạn hơn trước những áp lực, hoặc có thể làm thay đổi thái độ yên bình của bé? Liệu bé có muốn bắt chước theo như vậy và vì thế mà có thể “làm giảm bớt” khí chất chính của mình? Hoàn toàn không. Thực ra, điều này còn làm cho tính nước của bé trở nên mạnh thêm, bởi vì bé đã phải tập trung để giữ bình tĩnh hơn nữa để đối phó với thái độ không hài lòng của bạn bên cạnh.

 

Và đó chính là điều rất quen thuộc với những ai đang phải chật vật với tính bồn chồn bên trong con người mình: Khi họ gặp được ai đó tỏ ra còn bồn chồn hơn họ, một cảm giác phấn khởi sẽ xuất hiện vì họ thấy mình còn tốt hơn người khác : “Cám ơn Chúa vì con chưa tệ đến mức như vậy,” và điều này sẽ tạo ra một cảm giác bình thản nhất định.

 

Vì vậy, từ kết quả của quan sát trên, chúng ta có thể nói rằng nếu như một bé tính lửa ngồi cạnh một bé tính nước thì việc này sẽ không gây tác động nội tâm lên khí chất của bé. Và nếu như ta xét đến điểm này, ta có thể nói rằng việc xếp các bé như thế ngồi cạnh nhau trong lớp là không hợp lý chút nào.

Chơi đu dây nề

Chơi đu dây nề

  1. Khi bé tính lửa ngồi cạnh bé tính đất

Vậy thì trong tình huống tương tự kia, nếu như một bé tính lửa ngồi cạnh một bé tính đất thì chuyện gì sẽ xảy ra? Chúng ta đều đã biết mọi chuyện khởi đầu như thế nào. Nhưng chúng ta hãy cùng xem xét điều gì sẽ xảy ra trong lúc bé tính lửa thản nhiên thu dọn đồ đạc của mình, bé lại lỡ tay đụng phải người bạn tính đất nhạy cảm bên cạnh, người mà ngay cả lúc đi lại cũng rất thận trọng! Và khi bé tính đất cự nự bạn mình thì bé chỉ nghe được những lời phản hồi đại loại như: “Đừng có làm ầm lên như vậy! Bạn lúc nào cũng nhạy cảm hết! Bạn đúng là một kẻ hay càu nhàu!” – Và rồi bé tính đất bắt đầu khóc, bé cảm thấy sợ hãi và không biết phải xử trí thế nào; bé bèn phải thu mình lại vào trong.

 

Hành động của bé tính đất cũng xa lạ và khó hiểu đối với bé tính lửa, dù lúc khác bé có thể thầm ngưỡng mộ cách trình bày đẹp đẽ và rõ ràng trong quyển vở của bạn tính đất. Nhưng bé không thể nào bắt chước theo như vậy được!

 

Còn bé tính đất thì cảm thấy như thế nào trong tình huống này? “Bạn ấy làm mình sợ quá. Bạn ấy lúc nào cũng phải đụng mình mạnh như thế không? Bạn ấy không cẩn thận hơn được à? Sao lúc nào bạn ấy cũng làm mình tổn thương vậy? Mình chắc phải mách mẹ là mình lúc nào cũng sợ bạn ấy.” Đối với bé, hành động của bạn mình cũng không đáng để bé phải noi theo: Dù thế nào thì bé cũng không thể nào hiểu được tại sao bạn lại phàn nàn về mình và phải dùng lời lẽ xúc phạm bé như thế.

Một bông hoa với chú bọ nhỏ bên trong

Một bông hoa với chú bọ nhỏ bên trong

  1. Khi bé tính lửa ngồi cạnh bé tính khí

Hãy nhớ lại cảnh bé tính lửa mau mắn thu dọn đồ đạc và rồi quay sang nhìn bạn bên cạnh để chắc rằng bạn cũng làm nhanh như mình! Nhưng chờ đã nào, bạn ấy mất tiêu đâu rồi? Ồ, bạn ấy lại chạy lung tung rồi! Bạn ấy đi đâu nhỉ? À, ngay đằng kia! Bạn ấy đang chuẩn bị đồ cho buổi chiều nay. Thật tầm thường! Giờ thì bạn ấy nhìn về phía mình! “Này, nhanh lên – quay lại đây thu dọn đồ đạc đi! – Gì cơ? Bạn dọn xong mọi thứ vào cặp rồi á? Tất nhiên rồi, bạn lại bắt chước theo mình quá nhanh luôn đấy! Nhanh lên, về chỗ, nghe kể chuyện đi …!”

 

Những hành động như thế này cũng không gây tác động làm giảm bớt khí chất của bé tính lửa. Bạn của bé chẳng làm việc nào một cách nghiêm túc cả. Và đó là điều mà bé không thế chấp nhận được – thậm chí còn làm bé cảm thấy tức giận! Làm sao mà bạn ấy lại có thể qua loa như thế?!

 

Còn bé tính khí thì cảm thấy thế nào? Bé nghĩ rằng: “Mình lúc nào cũng tốt với bạn ấy. Mình muốn tặng bạn ấy vài món quà, mình thích bạn ấy và ngưỡng mộ những gì bạn ấy có thể làm. Nhưng mà lúc nào bạn ấy cũng khó chịu với mình, bạn mấy mắng mình, thậm chí có lúc còn đánh mình nữa … “

 

Vậy nên, các khí chất trong tình huống này cũng không thể nào gây tác động hài hòa lên nhau được.

 

CHÀ…..

 

Vậy còn bé tính lửa ngồi với bạn tính lửa thì sao nhỉ? Đó là một trường hợp đặc biệt, và chúng ta sẽ đọc trong phần tiếp theo nhé. Hẹn mọi người kỳ sau nè.