[Bốn Khí Chất dành cho Giáo viên] Phần 3: Khi bước vô lớp, các Khí Chất sẽ làm gì đầu tiên?
Khi Bọn Trẻ Chuẩn Bị Vào Lớp
Hãy bắt đầu bằng cách tưởng tượng ra một số tình huống mà ta quan sát được từ bốn trẻ khác nhau khi chúng phản ứng lại dựa trên khí chất nổi trội nhất của chúng. Trong chương tiếp theo, ta sẽ thử dùng cách này để học cách nhận biết khí chất từ người lớn.
Bước đầu, để hiểu được và trở nên quen thuộc với các khí chất, ta sẽ chọn một tình huống có thể xảy ra vào buổi sáng trước khi giờ học bắt đầu. Bạn nên cố gắng tưởng tượng theo một cách sinh động nhất để hình dung ra cảnh một người giáo viên đang chào đón học trò của mình ngay cửa lớp. Khi đọc bốn đoạn miêu tả dưới đây, hãy cố gắng hình dung ra thật sống động cách mà bốn đứa trẻ tiến lại gần thầy giáo, bắt tay thầy, ngước nhìn thầy, chào hỏi thầy, đi về chỗ ngồi, đặt chiếc cặp da xuống, ngồi lên ghế và chờ cho giờ học bắt đầu.
Trong những bài giảng và thuyết trình, tôi sẽ cố gắng diễn xuất để thể hiện những nét đặc trưng của từng tình huống cho người nghe nhằm giúp họ có thể hình dung được những khía cạnh khác nhau của từng hành vi. Nhưng vì tôi không thể làm điều đó trong một quyển sách được, nên tôi sẽ sử dụng bốn loại dấu chấm câu khác nhau để thể hiện điều này:
- Các dấu phẩy, dấu hỏi, dấu gạch ngang và dấu chấm than sẽ giúp các bạn cảm nhận phản ứng của trẻ và trải nghiệm những gì đang được mô tả – mặc dù có thể bạn sẽ phải thử vài lần để đạt được kết quả ưng ý.
Và đây là bé đầu tiên! Vọt nhanh trên hành lang! Bước những bước nhanh nhẹn, tràn đầy năng lượng! Bạn có thể nghe được tiếng bé đang bước đến! Tiến thẳng đến thầy giáo! Và rồi bây giờ thì họ gặp nhau! Nhìn vào mắt thầy của mình! Thẳng thắn, hiệu quả, mãnh liệt! Bé nhanh chóng chìa tay ra! Một cái bắt tay chóng vánh, mạnh mẽ! Mãnh liệt! Dựng người thẳng đứng! Rồi nói “Chào buổi sáng, thầy Eller!” – ngắn gọn, rõ ràng, biểu cảm! Rồi bé rời đi! Quay sang hướng khác! Bước từng bước dứt khoát như quân hành vào trong lớp! OK, giờ thì sang chỗ ngồi của bé! Tới nơi rồi! Ngồi xuống cùng với chiếc cặp của mình! Ôi không! Nhanh quá rồi! Dây đeo lại bị sút ra mất rồi! “Má nói là đã khâu nó nhiều lần rồi mà! Nhưng mà má làm chẳng được gì cả – lỗi của má hết!” Rồi bé cất cái túi xuống dưới bàn! “Ôi, bây giờ mình lại phải chờ đợi! Vẫn phải đợi nữa! Thầy vẫn chưa chịu dạy nữa! Mình chả biết làm gì ngoài việc chờ đợi! Mình không thích đợi tí nào hết! Mai mình sẽ tới trễ hơn cho xem!” Đây có thể là một đứa trẻ mang nhiều đặc tính của tính lửa!
2.
Rồi thì bé thứ hai tiến đến: Điềm tĩnh… phong thái nhàn nhã… hết lắc nhẹ sang trái rồi lại phải… không tỏ vẻ gì là vội vàng… mơ mơ màng màng với một biểu cảm thân thiện… thậm chí là có thể không để ý rằng thầy đang đứng ngay cửa… và rồi bây giờ thì quay sang thầy giáo. Ơn chúa là bé chìa tay ra đúng lúc để bắt tay với tôi… Bàn tay nhỏ nhắn đặt lên tay thầy một cách tin tưởng… một cái bắt tay bình thường… không hề dùng đến sức lực, hoàn toàn thoải mái… rồi bé ngẩng đầu lên – rất bình tĩnh… mắt bé ánh lên trong một khoảnh khắc – nhìn vào đôi mắt của thầy… và rồi thơ thẩn ở đó một lúc. Một nụ cười dễ chịu hiện ra trên khuôn mặt nhỏ nhắn của bé… giữ như thế một lúc… bé chào hỏi một cách thân thiện, yên bình… với một ánh nhìn nhẹ nhàng… hoàn toàn không chút vội vã nào… và cũng ra vẻ tận hưởng khoảnh khắc này… bé lại nhìn lướt sang chỗ khác… nụ cười của bé cũng phai đi một ít. Giờ thì bé lại hướng về chỗ ngồi của mình… vẫn giữ nụ cười ấy… bé làm cho chiếc cặp trượt khỏi vai của mình… và rớt xuống mặt đất… “Thiệt tệ. Mình không chụp được nó rồi… có khi mình nhanh tay hơn… thì mình có thể chụp lấy nó rồi..”… Bây giờ là lúc ngồi xuống rồi… Bé treo chiếc cặp lên hông bàn…. “Làm như vầy cho dễ. Hông cần phải nhét xuống hộc bàn.”… Bé chờ đợi một cách kiên nhẫn cho đến lúc giờ học bắt đầu… A, thầy đến rồi… và rồi thầy hỏi bé, “Hôm nay con khỏe không?” – “Con ổn ạ.” – “Con có thích đến trường không?” – “Dạ, có.” – “Con có thích chỗ ngồi này không?” – “Dạ, có. Ở đây thoải mái và ấm áp lắm.” Những hành vi của bé biểu lộ rất nhiều đặc điểm tiêu biểu của tính nước.
3.
Chà, giờ thì bé kế tiếp lại đến: Nhún nhảy nhẹ nhàng khi đi, cùng với một bạn cùng lớp bên cạnh (và bây giờ là “người bạn thân nhất” bởi vì bạn ấy “rất tốt”), kể cho bạn nghe về tất cả những thứ mà bé vừa thấy (bé thấy rất nhiều thứ hay ho kể từ ngày hôm qua!). A ha, thầy giáo kia rồi! Bước nhanh về phía thầy, tạm ngưng cuộc trò chuyện bận rộn kia và rồi nhanh chóng hô, “Giờ thầy cũng là người bạn tốt nhất của con!” – rồi nhanh chóng tập trung chào hỏi – việc luôn dễ dàng với bé. Bắt lấy tay thầy một cách hạnh phúc (hay nói chính xác hơn là chỉ thoáng chạm vào tay thầy thôi), tươi cười rạng rỡ và với một ánh nhìn mau chóng và tươi tắn đến đôi mắt thầy giáo, bé khéo léo và vui vẻ cất tiếng chào! Nhưng bé lại nhìn sang chỗ khác, quét ánh mắt của mình lên thầy giáo, hết tìm rồi lại kiếm: “Ồ, thầy mới cắt tóc hả?” “Thầy có giày mới nữa đúng hôn?” Sau một khoảnh khắc yên lặng (bé đã bắt tay xong trước khi bé bắt đầu nói) thì bé chợt nhớ ra một thứ mà bé cần phải báo cho thầy: “Con phải chuyển lời chào của mẹ con cho thầy- và – ba con khỏe hơn rồi, ba bệnh nặngggg lắm – và – con chuột nuôi của con gần ngủm rồi nhưng mà nhà con đã chăm sóc cho nó nhanh khỏe lại!” Bây giờ thì bé nhanh chóng đi về chỗ ngồi của mình, nhưng chưa ngồi xuống. Bé mở cặp của mình, lấy thiệp mời sinh nhật của bé ra và mau chóng phát chúng cho các bạn. (Bé tự nhủ:) “Ơn trời, thầy chưa vào lớp! Ba tuần nữa là sinh nhật của mình rồi – Mình không thể chờ được! Mình muốn mời tất cả các bạn trong lớp – Mình thích hết các bạn ấy – nhưng mà mẹ nói mình chỉ có thể mời được phân nửa thôi – thôi vậy cũng đủ rồi. Nhưng mà chọn ai để mời thiệt khó quá đi!” Rồi nhanh chóng trở về chỗ của mình – thầy giáo đã vào lớp để bắt đầu tiết học! Đây là cách mà một trẻ có tính khí chủ đạo sẽ cư xử vào buổi sáng. Và rồi vào ngày hôm sau, bé chắc chắn sẽ có nhiều thứ hơn để nói.
4.
Bước từng bước thận trọng, chậm rãi và chú ý quan sát tình huống đang diễn ra ngay lúc này ở cửa ra vào lớp, một bé khác lại đến với một phong thái khéo léo, nhạy cảm, tò mò và bé hy vọng là không bị ai khác để ý. Bé dừng lại trước thầy giáo một khoảng, vì bé chú ý rằng thầy đang bận rộn với Hannah (bé tính khí ở trên), và bé bắt đầu nghiền ngẫm trong tiềm thức về những gì mà bé nghe được: “Hannah đang nói gì vậy ta? Mà thầy có thích nghe không đã chứ? Tui không thích lại đó lúc này đâu – Tui không muốn quấy rầy thầy. Hannah sẽ nói không dứt đâu. Không – Tui thà không gửi lời chào của mẹ tui cho thầy đâu. Ba của bạn ấy bị bệnh? Ôi, thiệt tệ quá. Nếu như ba tui cũng bị bệnh … ổng sẽ không đi làm được. Con chuột nuôi của bạn ấy xém chết? Nếu mà con chuột lang của tui bị bệnh, tui chắc chắn là sẽ ở nhà. Không, tui không thể tới trường được. Tui thực sự cảm thấy đáng tiếc cho bạn Hannah tội nghiệp. Được rồi – thầy nói chuyện với bạn ấy xong rồi.” Với cảm giác đề phòng và một thái độ sẵn sàng, bé tiến đến chỗ thầy giáo. Bé cẩn thận chìa tay của mình ra một cách tin tưởng, rồi thận trọng bắt tay thầy. Ánh mắt nghiêm túc và đầy thắc mắc của bé bắt gặp ánh mắt của thầy khi bé đang cố che giấu toàn bộ tâm trạng bên trong của mình. Giọng của bé the thé một chút nhưng vẫn thể hiện sự tôn trọng khi bé chào thầy. Rồi khi quay đi, bé có thể rất bận tâm về sự việc này: “Thầy lại thân thiện nhìn mình nữa rồi. Thiệt là thoải mái. Mình tự hỏi là thầy có cảm thấy đáng tiếc cho con chuột nuôi, và cho cả Hannah không? Lát nữa, mình sẽ đến và nói chuyện với bạn ấy. Trời ạ! Nếu con chuột lang của mình mà bị bệnh như vậy …” Bé đi về chỗ của mình theo đường nhanh nhất. “Mình chả mong ai đó đụng phải mình – giống như tuần rồi vậy.” Bé cẩn thận để chiếc cặp của mình bên dưới bàn học để nó không bị xước. “Mình không biết là Hannah đang làm gì đằng kia vậy? Bạn ấy vẫn còn chạy vòng vòng trong lớp. Mình nhất định không làm thế đâu. Ồ, bạn ấy đang phát thiệp sinh nhật. Nhiều bạn có thiệp quá! Tại sao bạn ấy lại mời Mortiz? Đúng rồi, là mình thì mình cũng mời Cornelia thôi. Bạn ấy có nhớ đến mình không? Nếu không, mình sẽ không bao giờ mời bạn ấy dự tiệc của mình nữa đâu. Ồ, Hannah, bạn mời mình hả! Cám ơn bạn rất nhiều vì đã cho mình tham dự! Ồ, tiết học sắp bắt đầu rồi. Mình mong là Hannah về chỗ ngồi kịp lúc!” Đứa bé này là một ví dụ tốt cho một trẻ mang nhiều đặc tính của tính đất.
Để nhấn mạnh được nội dung, những tình huống này đôi khi có thể bị thêm thắt một chút, và chỉ thể hiện được một phần trong vô số những phản ứng có thể xảy ra. Nhưng chúng cho chúng ta một ấn tượng ban đầu quan trọng và một nền tảng cho việc khám phá các đặc điểm để phân biệt cũng như các hiện tượng cơ bản của các khí chất, những thứ mà sẽ có lúc là chìa khóa cho tất cả các quan sát sâu xa hơn. Tôi đã cố tình bỏ qua những ví dụ về các hành vi quá mức, chẳng hạn như là cơn giận dữ của một người mang tính lửa rất mạnh, hoặc là sự hờ hững của một người tính nước thái quá.
Ngay tại đây, tôi sẽ nhấn mạnh lại một lần nữa rằng tất cả mọi người đều sở hữu cả bốn khí chất, nhưng một khí chất, thường là hai – và đôi khi thậm chí là ba – sẽ chiếm ưu thế hơn. Thêm vào đó, những khí chất khác nhau có thể trộn lẫn vào nhau, và từng người trong chúng ta mang một sắc thái của riêng cá nhân mình, điều mà giúp giải thích tại sao không có hai người giống nhau. Các chủ đề này sẽ được đề cập sâu hơn vào các phần sau.
Bài viết liên quan:
Vớ...
Rud...
Chu...
Mố...
Giờ...
Ta ...