[Bốn Khí Chất dành cho Giáo viên] Phần 8: Các khí chất sẽ vẽ cơn bão trên đảo như thế nào?

Khi bé vẽ cảnh một hòn đảo

Khí chất của các bé cũng được thể hiện theo cách các bé vẽ tranh. Các bạn có thể hiểu rõ về ý này trong bốn bức vẽ bằng bút sáp bên dưới. Các bức tranh đã được vẽ trong một giờ địa lý dành cho lớp 5 để minh họa cho giờ học về “cơn bão trên đảo Halligs”. Các bé đã được giảng về lúc cái hòn đảo với những gò đất lô nhô đã bị ngập lụt như thế nào trong cơn bão, và cả chuyện các con sóng đã đánh bật những cánh cửa các ngôi nhà. Vì vậy mà cư dân trên đảo và các con thú đã gặp nguy hiểm và thậm chí phải giữ mạng bằng cách leo lên tầng trên cùng, nếu như những cơn sóng đe dọa phá vỡ các bức tường phía dưới. Tầng trên cùng là nơi an toàn hơn bởi vì những cây cột chính của ngôi nhà được đóng sâu xuống đất nên chúng có thể trụ vững khỏi sức mạnh của biển cả.

 

Bây giờ ta hãy cùng xem tranh các bé đã vẽ. Vài nét vẽ trong các bức tranh có thể khiến chúng ta cười khúc khích lúc đầu. Sau đó, chúng ta sẽ cố gắng tái hiện lại quá trình mà bọn trẻ đã trải qua khi chúng vẽ những bức tranh này.


Bé tính lửa tưởng tượng ra cơn bão đầy sức mạnh và hỗn loạn

Bé tính lửa tưởng tượng ra cơn bão đầy sức mạnh và hỗn loạn

Bức đầu tiên là của một bé gái. Hãy cùng tưởng tượng ra cách mà bé đã vẽ nó. Bé bắt đầu bằng cách xoay ngang tờ giấy và vẽ ra cái gò đất do con người đắp lên. To quá, thật sự to quá! Xoay tờ giấy lại! Vẽ lại cái gò đất một lần nữa – ấn mạnh đầu bút sáp xuống! Được rồi, nó đã trông đẹp đẽ với màu xanh! Bây giờ là tới căn nhà vững chãi phía trên! Các bức tường đá và rồi những cái cột gỗ lớn này! Ồ, mình quên mất cái cửa sổ! Thôi, ổn mà, cái cửa nằm phía sau ngôi nhà vậy! Một cái mái nhà bằng tranh vững chắc này! Bây giờ tới mấy con sóng – chúng tràn lên từ mọi phía – một cái còn đánh tận tới ngôi nhà! Bây giờ là bầu trời xanh đậm nào! Ối – thiếu mất đám mây rồi! Màu đen đè lên màu xanh này! Không thể quên mấy tia sét được: Mình sẽ dùng màu vàng để vẽ những đường dích dắc (zigzag) bay qua màu xanh vậy! Ồ, màu vàng màu xanh đè lên nhau thành màu xanh lá rồi! Cái gì? Tia chớp xanh lá hả? Không thể nào! Mình sẽ tô thêm màu đỏ vào vậy! Coi nào – bây giờ chỉ còn thiếu tên mình phía sau thôi – Mình sẽ viết một cái thật to ở ngay cái chỗ mà mình đã vẽ cái gò ở mặt trước tờ giấy! Không thể nào nhầm lẫn được: đây là một bé tính lửa!


Bé tính khí vẽ bức tranh của mình với nhiều màu sắc và chi tiết khác nhau

Bé tính khí vẽ bức tranh của mình với nhiều màu sắc và chi tiết khác nhau

Bây giờ chúng ta hãy cùng quan sát những thứ xuất hiện từ quan điểm của bé tính khí và trải nghiệm cách mà bé đã vẽ. Bé đã suy nghĩ những gì? “Ở tầm gần của bức tranh, các bạn có thể thấy mặt nước (dù sao thì đây là một hòn đảo mà!) … người dân sống trên đó cũng cần phải có nước … họ trữ lấy nước mưa (nước biển mặn lắm) … vì vậy mà họ cần phải có một cái giếng (bé quên rằng nó phải là một cái hồ trữ nước) … rồi thì họ cũng cần phải có thứ gì đó để lấy nước lên … ở phía sau, cái gò đất được vẽ với nhiều màu xanh lá khác nhau … bây giờ đến ngôi nhà … nhiều cây cột nhà nhỏ cùng với các viên gạch bé tí; các ô cửa sổ xanh, đỏ, tím này (họ muốn xem có gì xảy ra xung quanh mà!); một cái cửa màu vàng … rồi đến mái nhà (mỏng manh và nhô ra ngoài xa đến nỗi mà cơn bão sắp tới có thể hất tung nó đi) … bây giờ là tới cái ống khói chắc chắn (bé ưu tiên những thứ liên quan đến tính khí mà) … và ngay trước ngôi nhà là một cái bậc cửa nhỏ nhắn và một cái ghế xinh xinh … bây giờ phía bên trái là một cái gò lấn biến (chỗ có chữ Koog trong bức tranh, koog là khu vực vốn là biển được con người cải tạo để lấn ra ngoài – ND) … (bé thấy rằng nó trông buồn cười): thôi để mình viết chữ “Koog” lên để ai nhìn vào còn biết nó là cái gì … bây giờ đến lượt ngôi nhà đỏ xinh nào … (Tờ giấy vẽ bị trượt ra ngoài khi bé đang vẽ căn nhà; rồi khi bé chỉnh thẳng lại tờ giấy:) “Ối, căn nhà bị nghiêng mất rồi … ôi, coi nào, chả sao cả … nhưng mà sống một mình thế này ở Hallig thì cô độc lắm! Không, mình sẽ thêm vào một hòn đảo nhỏ phía bên phải vậy … mình đứng ở nhà vẫn có thể vẫy tay cho họ thấy được mà … và nếu như có ai từ bên đó muốn sang nhà mình chơi, bạn ấy có thể cột thuyền chỗ cái cọc này (phía góc bên phải) … Bây giờ thì vẽ nước vào nào … thật là nhiều con sóng, nhiều loại sóng khác nhau … một con sóng còn đánh nước lên đảo nữa này (giống như một lọn tóc xoăn vậy) … thêm mấy con thuyền phía sau này … một con thuyền buồm, được trang bị đầy đủ (ngay chính giữa một cơn bão!) … phía dưới là các ô cửa trên thuyền (để người trong đó có thể nhìn ra ngoài khi xuống dưới hầm tàu) … sét đánh trúng một con thuyền khác này … vui quá đi! … vẫn còn chỗ trống ở phía trên này … chỗ này thêm vào mấy tia sét nữa là tuyệt … mình sẽ vẽ thêm ngay đấy.”


Bức vẽ của bé tính đất mang nét suy nghĩ thấu đáo và có hệ thống

Bức vẽ của bé tính đất mang nét suy nghĩ thấu đáo và có hệ thống

Bức vẽ kế tiếp sẽ cho chúng ta thấy điều gì diễn ra trong một bé mang tính đất chủ đạo. “Đầu tiên mình sẽ dùng mấy màu mình thích: xanh đậm và xanh lá đậm … Mình sẽ vẽ từ phần dưới trước – chỗ đó có lẽ là tốt nhất … cẩn thận vẽ con sóng đầu tiên sang góc nào .. nghiêng một chút và cái đỉnh phải nhọn nữa … để nó trông giống như một hình tam giác … bây giờ là các con sóng ở bên cạnh và ở trên nữa: Chúng phải trông giống nhau … bởi vì tất cả con sóng đều có một cái đỉnh nhọn nên chúng trông như đang bị cơn bão thổi thốc lên vậy.” (Nhưng bé không để ý là chúng giống những ngọn núi. Mối quan hệ gần gũi của khí chất này và nguyên tố đất với những hình thù dạng tinh thể của nó được phản ánh ở đây một cách rất thú vị.) Vậy rồi bây giờ mình sẽ vẽ ngôi nhà, ngôi nhà mà mai mốt mình sẽ muốn ở trong đó … tách biệt và lẻ loi … nhưng dĩ nhiên là có cả ba mẹ và các anh chị nữa … nằm ở trên cao so với mặt nước đang giận dữ kia … một căn nhà to và rộng … Mình phải canh khung gỗ và cửa gỗ sao cho thật chuẩn để căn nhà không bị đổ trong cơn bão … Mình sẽ đặt ba cái ống khói phía trên để phòng nào cũng ấm hết … giờ thì mình thấy thật sự an toàn và ấm cúng trong đó. – Ồ, nhưng mọi thứ trong bức tranh sao có vẻ yên bình … có lẽ tốt hơn hết là mình nên vẽ một con sóng dữ đang chồm lên vậy … Mình sẽ vẽ nó ở phía bên phải (nó trông giống như một lọn tóc to) … không được sát ngay cạnh căn nhà quá, bởi vì mình không muốn điều gì xảy ra cho nó, cả phần bên cạnh nữa – đang có người và các con thú bên trong! … và bây giờ là bầu trời xám xịt, và mặt trời phải rọi xuống một ít … ngay cả khi đang có bão.”


Bé tính nước vẽ một đại dương yên bình với nét vẽ cân đối và những nét được lặp lại

Bé tính nước vẽ một đại dương yên bình với nét vẽ cân đối và những nét được lặp lại

Bây giờ hãy để cho bức vẽ cuối cùng đưa chúng ta vào thế giới yên bình đầy tình thương của bé tính nước. Khi mà tôi gặp cậu bé đã vẽ nên bức tranh này nhiều năm sau đó – và từ đó chúng tôi đã xây dựng một tình bạn gần gũi và ấm áp với nhau – tôi cho cậu xem bức tranh ấy, và cậu có thể nhớ rõ ràng mình đã vẽ nó như thế nào: Điềm tĩnh … bắt đầu từ ở giữa tờ giấy … lệch một chút sang trái … đầu tiên là một hòn đảo nhỏ … bằng phẳng và xanh mướt … một ngôi nhà màu đỏ … giữ cho cửa sổ mở ra … và rồi chúng sẽ trông sáng sủa … đó cũng là cách dễ nhất để vẽ chúng … bây giờ thì chuyển sang phải … hòn đảo và ngôi nhà ở đây to hơn một tí … và rồi hòn đảo kế tiếp … một hàng các đảo kế nhau … từ bé đến lớn … mọi thứ đều yên bình, mọi thứ đều tĩnh lặng … (thật là một cách dùng màu sắc tuyệt hảo! Màu đỏ và xanh lá bổ trợ cho nhau!) … bây giờ thì đến đại dương bên dưới các hòn đảo … một con sóng tròn trịa … rồi một cái nữa … hết con sóng này đến con sóng khác … và rồi hàng thứ hai: sóng … sóng … hết hàng này đến hàng khác … lấp đầy hết cả giấy trắng … từ ở giữa xuống dưới … giờ thì chỉ còn thiếu phần nước biển phía sau … mặt trời đang lặn … ánh nắng phản chiếu lên mặt nước … bầu trời đang chuyển về đêm … như vậy đó … khoan đã – viết tên tranh lên mặt sau nào … “Nó tên gì nhỉ? … Ồ, đúng rồi – mình nhớ ra rồi …” Rồi cậu viết “cơn bão” và tên cậu ở đó.


 

Những bức vẽ này đã phản ánh một cách rất điển hình về phần lớn những gì mà bài nghiên cứu khí chất này bao hàm để ta có thể nâng cao nhận thức của mình về chúng. Đồng thời, chúng có thể là một động lực để giúp cho các giáo viên thấy được từ trong các bức vẽ của học trò mình một luồng ánh sáng mới để khám phá ra các sắc thái khí chất của chúng.


Xem phần trước ở đây.