Ghi chép từ buổi chia sẻ “ Món quà mang tên KHÔNG” của thầy Greg
Đây là những ghi chép chưa trọn vẹn một phần buổi chia sẻ “ Món quà mang tên KHÔNG” – của thầy Greg. Nếu có những sai sót, mong mọi người cảm thông!
Một cậu trai trẻ bước vào một quán nước, ngồi ngửa ra, gác hai chân lên ghế bên cạnh và gọi “Hêy, bồi bàn, cho 2 coca”. Cậu trai không quan tâm đến quy định của quán liệu có được ngồi gác chân lên ghế.
Một cậu bé tan học chạy ùa ra sân, vừa thấy mẹ đón, cậu vứt ngay ba lô xuống đất. Người mẹ một tay nách đứa con nhỏ, lưng mang ba lô, tiến đến nhặt cặp lên cho con, và cầm về.
Một cô bé khác muốn ăn kẹo, mẹ cô từ chối “ Không, giờ này không phải là giờ ăn kẹo”. Cô bé mắt long lanh, hai tay áp sát lồng ngực “ Mẹ, đi mà, mẹ có yêu con không? Mẹ yêu con thì cho con kẹo nhé’….
Thầy Greg đưa ra một vài ví dụ trong buổi chia sẻ “ Món quà kỳ diệu mang tên KHÔNG” tại Lá. Liệu chúng ta có thể giữ vững giới hạn và nói KHÔNG với con?
Thế giới ngày nay đã thay đổi, chúng ta không còn ở một gia đình lớn gồm nhiều thế hệ, chúng ta ở trong những căn hộ nhỏ với số người ngày càng ít lại. Chúng ta không còn ăn đồ ăn do bà và mẹ nấu, chúng ta ăn thức ăn nhanh. Văn hóa lẫn thương mại cũng khác đi, chúng ta không nhìn vào mắt một ai đó để mua hàng, chúng ta nhìn vào màn hình. “ Shopping is King” – Mua sắm, sở hữu lên ngôi. Thời đại của thông tin điện tử và mạng xã hội, phụ nữ giảm lòng tin vào trực giác người mẹ trong mình, chăm con theo xu hướng của mạng xã hội. Việc chăm con trở nên khó khăn và hoang mang bởi những thông tin bủa vây tứ phía, gây ra những cuộc tranh cãi không hồi dứt… trên mạng xã hội.
Công nghệ tất nhiên cũng rất tuyệt vời, nó giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và làm cuộc sống dễ dàng hơn. Công nghệ giúp con người ta được giặt đồ bằng máy, gởi thông tin đi tức thời, nhìn thấy người mình yêu thương ở khoảng cách rất xa.
Nhưng liệu chúng ta có nên để con mua gì cũng được, muốn gì cũng có, xem ti vi lúc nào cũng được và không có giới hạn nào?
Văn hóa xã hội thay đổi, con người ta dần càng có ít con hơn ngày xưa. Mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con, tất cả ông bà, cha mẹ trong gia đình đều chăm chăm vào đứa trẻ. Khi đứa trẻ khóc, người nhà lập tức đến:
“ Ồ, nín đi con,
Con cần gì?
Con muốn gì?
Remote tivi à?
Hay là kẹo?
Đây, của con đây, con nín đi, đừng khóc nữa”.
Chính sách ít con, khiến những đứa trẻ biến thành “Ông vua con”. Những đứa trẻ ấy lớn lên chỉ muốn được có thêm và có thêm, chúng được sở hữu dễ dàng. Những đứa trẻ này khi trưởng thành trở thành doanh nhân và sở hữu nhiều thứ khi tuổi đời còn trẻ, họ muốn sở hữu thêm, mua thêm, và chiếm thêm, họ không chia sẻ. Tương tự như vậy với những quốc gia muốn có thêm ngày càng nhiều.
Một thế giới bao trùm sự “ĐỒNG Ý’ hay nói “KHÔNG”. Cảm giác thõa mãn dễ chịu nhất thời hay một cảm giác đau đớn khó chịu. Việc làm cha mẹ đang ngày càng trở nên khó khăn hơn, nhất là khi ngày càng xuất hiện nhiều ba mẹ đơn thân hơn. Ví như người mẹ giữ những giới hạn và nhịp điệu rất tốt cho đứa con của mình gồm giờ ăn sáng, giờ ăn trưa, giờ ăn tối, giờ ngủ, giờ đọc sách, những sinh hoạt trong ngày, những thức ăn lành mạnh… Tuy nhiên cuối tuần, con đi với ba thì được mua sắm tự do, mua bất kỳ loại bánh kẹo nào con thích, được xem tivi, ngủ bất cứ khi nào thuận tiện, giờ giấc đảo lộn, và đem về nhà người mẹ nguyên một chiếc xe đạp mới. Lúc này, các con sẽ bối rối, không cảm thấy sự rõ ràng, nhất quán giữa cha và mẹ. Điều cần thiết cho những đứa trẻ. Các con cần có nhịp điệu sinh hoạt, cần được nghe:
“ Con chờ một chút,
Món này đến sinh nhật mình sẽ mua.
Đây không phải lúc ăn kẹo.
Con sẽ được lái xe vào năm 18 tuổi…
…”
Quan trọng là, con được nghe “ KHÔNG” với một uy quyền yêu thương, chứ không nhận “KHÔNG” theo phong cách quân đội.
Cuối buổi thầy chia sẻ: Chúng ta, là một cộng đồng, hãy cùng nắm tay nhau với lòng yêu thương, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong việc làm cha mẹ. Và thầy trao tặng ba mẹ một món quà nhỏ ” Món Quà Mang Tên KHÔNG” – bài báo A Gift Of No của tác giả Helên Mcglaufin.
“Những trẻ em không được dạy về ý nghĩa của việc nói “KHÔNG” từ ba mẹ khi còn bé, chắc chắn sẽ đối mặt khó khăn khi học điều này từ ngoài gia đình.” – Trích trong “Món Quà Mang Tên KHÔNG”
LƯU Ý: Khi chia sẻ, mời mọi người giữ nguyên đường link từ Lá, đảm bảo đây chỉ là bài viết lại lời Thầy theo trí nhớ, không phải là phát ngôn trực tiếp của Thầy. Cảm ơn ba mẹ!
Bài viết liên quan:
Vớ...
Rud...
Chu...
Mố...
Giờ...
Ta ...