Sự kỳ diệu của Toán học

Toán là tự nhiên. Toán trong thiên nhiên, con người và vũ trụ, Toán trong kiến trúc, Toán trong nghệ thuật, Toán là nghệ thuật… Thầy dẫn trò từng bước để cảm nhận Toán trong mình, quanh mình; con người.

Tranh do cô giáo vẽ: Các con chơi ngoài sân với bạn Lu

Tranh do cô giáo vẽ: Các con chơi ngoài sân với bạn Lu

Trẻ cần cảm quan về số và nhận biết quy luật, không đơn thuần là học số và các phép cộng, trừ, nhân chia. Làm sao để chúng ta, những giáo viên đi đến đây? Người giáo viên mang trong mình một bức tranh tổng thể bước vào lớp khác một giáo viên không đem theo gì cả. Trẻ sẽ cảm nhận được bức tranh ấy mà không cần người giáo viên phải vẽ ra chính xác bức tranh bằng giấy bút, ngôn từ.

Dạy toán cho từng cá thể và cả tập thể, dạy toán không quên nhìn vào sự khác biệt của từng trẻ, đồng thời đảm bảo tất cả các cá thể đều tham gia.

Dở ngôn ngữ, thể thao, nghệ thuật, con người ta dễ chấp nhận rằng mình không có khiếu lĩnh vực đó. Tuy nhiên, dở toán khiến con người ta nghĩ mình yếu kém từ sâu bên trong. Dạy toán để nâng tất cả các con lên. Hãy hỏi bạn chậm trước, hỏi bạn nhanh sau. Hãy hài hước cùng trẻ tìm ra những con số và quy luật. Hãy tán dương trẻ. Toán phải vui, dễ, ai cũng làm được.
– Sắp đúng rồi con.
– Hay vậy, sao con có được kết quả này vậy!

Tranh do cô giáo vẽ: 7 chú lùn qua cầu tới lâu đài của Bạch Tuyết

Tranh do cô giáo vẽ: 7 chú lùn qua cầu tới lâu đài của Bạch Tuyết

Có trẻ giải được 3 phép toán trong vài phút, có trẻ giải được 10 phép toán trong cùng một thời gian; nhưng việc giải nhiều thật nhiều phép toán chẳng để đi đến đâu cả. Và, mình thật sự xúc động khi nghe thấy, nhìn thấy Thầy hòa vào đứa trẻ và hỏi:
– Con tính theo cách nào vậy?
– Các con biết làm sao mà bạn ra con số đó không?
– Còn ai có cách khác không?
– Các con hãy nghe xem bạn làm cách nào để ra con số đó?
– Các con, chúng ta hãy cùng nhau quan sát cách bạn giải quyết bài toán này.

Thầy nói hãy dạy trẻ học “listening how the other thinking” xuyên năm tháng qua cách dạy toán, bởi “Ai cũng suy nghĩ bằng suy nghĩ của riêng mình”. Phải rồi, chứ đâu thể nghe ai nói “hãy lắng nghe suy nghĩ của người kia” mà trở nên thành thục được.

Đừng cho trẻ kết quả ngay, hãy hướng con án chừng, rồi đi dần đến kết quả. Hỗ trợ con nghĩ chậm lại, kiên nhẫn hơn.

Hãy cho trẻ thấy nhiều cách giải quyết một vấn đề thông qua nhiều cách giải toán, qua câu hỏi mở thay vì câu hỏi đóng.

Nâng suy nghĩ lên tầng mức cao hơn và sâu hơn. Thầy dạy vậy! Và, thêm nhiều nữa, cả cách làm lẫn điều gì ẩn dưới cách làm đó… Hỏi sao ai kia không xúc động với những gì các giáo viên đã và đang làm. Nhỉ!

– Cô Tú ghi chép lại một phần lời Thầy Greg nói.