Lớp 2 – Trẻ học thế nào?
Một trong những điều đặc biệt đáng chú ý của Phương pháp giáo dục Steiner là: “Chương trình và nội dung học phù hợp với sự phát triển của trẻ.” Mỗi một độ tuổi, hay một giai đoạn phát triển, con người ta cần những điều đặc trưng cho giai đoạn đó và phù hợp với giai đoạn đó.
Trẻ lớp 2 – độ tuổi khoảng từ 7 – 8 tuổi, và có thể vẫn còn những biểu hiện sau ở 9 tuổi.
Trẻ lớp 2 như “một chú bướm vừa được thoát ra khỏi lớp vỏ cứng của con nhộng và đậu trên chiếc lá chờ đôi cánh lộng lẫy khô lại và đủ mạnh. Nó thực sự sẵn sàng cho hành trình bay”. Trẻ lớp 2 hoàn toàn bước vào giai đoạn 7 năm lần hai của sự tưởng tượng và sự kỳ diệu mà Rudolf Steiner miêu tả như là “trái tim của thời thơ ấu”. Lớp 1 là thời gian để thiết lập nhịp điệu và cảm nhận về sự đồng nhất; thì lớp 2 là thời gian khám phá ra khía cạnh kép của bản chất tự nhiên con người, khi cảm xúc của những đứa trẻ được đánh thức. Cảm xúc cảm thông và chán ghét mạnh mẽ có thể làm phiền lòng phụ huynh, nhưng đó là trải nghiệm cần thiết để trẻ lớp 2 trải qua.
Chương trình giáo dục Waldorf được thiết kế như thế nào để đáp ứng những tình cảm này của trẻ 7-8 tuổi? Chúng ta kể cho các em trong giờ kể chuyện hàng ngày những câu chuyện trong mọi nền văn hóa ở đó miêu tả chân thực những tình cảm này: truyện ngụ ngôn Aesop, chuyện Đức Phật, truyền thuyết của người Châu Phi và người Mỹ bản địa miêu tả phần “con” trong con người, là phần cảm xúc thấp hơn mà con người nhìn nhận và vượt qua. Những câu chuyện kết nối với trí tưởng tượng của trẻ và cho phép các em hình thành những bức tranh bên trong mình về điều thiện và ác. Chúng ta không rao giảng đạo đức, thay vào đó, để trẻ tự cảm nhận và thẩm thấu câu chuyện theo cách của mỗi em. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đem đến cho các em truyện về những con người vĩ đại, những vị thánh, những anh hùng, những con người đã vượt qua những thấp thỏi, những khuynh hướng mang tính “con” bên trong họ, để phục vụ người khác với mục đích cao cả nhất. Chúng ta mang đến cho trẻ một bức tranh những con người cao quý đã khám phá và trải nghiệm lý tưởng của phần “người” như thế nào.
Trẻ lớp 2 có những thách thức hơn bao giờ hết về kiến thức học thuật vốn được trình bày đầy sự tưởng tượng và nghệ thuật. Trong giờ tiếng Việt, các em nghe kể chuyện và sau đó viết những câu văn ngắn tóm tắt câu chuyện, đồng thời vẽ hình minh hoạ đi kèm. Các em học vần, các quy tắc ghép vần, một số quy tắc chính tả thông qua các hoạt động nhiều màu sắc diễn ra trong lớp. Các em tự mình làm những quyển sách truyện, sách thơ, đồng dao… cho riêng mình và đó cũng là tài liệu phục vụ cho việc đọc trong lớp. Việc học ngôn ngữ của các em diễn ra thông qua học thuộc những bài thơ trẻ em kinh điển và chơi đùa với những câu thơ.
Trong toán học, các em ôn lại những gì đã học ở lớp 1, sau đó được giới thiệu đến những bài toán phức tạp hơn thông qua 4 phép tính được đặt theo chiều dọc. Những câu chuyện bài toán về các hoạt động thường nhật vẫn là chất liệu trong giờ học toán. Các em học thuộc lòng các bảng cửu chương, giờ đây, trọng tâm sẽ là bảng cửu chương 7,8,11 và 12 được giới thiệu chính thức. Các kiến thức như giá trị hàng chữ số, 4 phép tính dài cũng sẽ được các em khám phá. Bên cạnh đó, khoảng thời gian dành cho tính nhẩm cố định mỗi ngày cũng được đưa vào giáo trình.
Nguồn: http://www.waldorfinspirations.com
Người dịch: Phan Diễm