[Bốn Khí Chất dành cho Giáo viên] Phần 11: Các khí chất tương ứng với nguyên tố (đất nước lửa khí) nào trong tự nhiên?

Các khí chất và các nguyên tố của Empedocles

Chúng ta nên cảm ơn người thầy thuốc và nhà triết học Empedocles (490 – 430 TCN) vì lý thuyết về bốn nguyên tố của ông. Qua nhiều thế kỷ, những cá nhân tiếng tăm đã tiếp thu những hiểu biết sâu sắc của ông và khai triển chúng ra, cho đến khi cuối cùng chúng cũng bị làm lu mờ bởi khoa học hiện đại và rồi cũng  trở thành mục tiêu để chế giễu.

 

Hippocrates đã tiếp thu những ý tưởng của người đàn anh cùng thời với mình và đồng thời kết nối bốn nguyên tố – lửa, khí, nước và đất – đến bốn khí chất. Thậm chí ngày nay, cách ứng dụng này có thể đem lại một cách hiểu dễ dàng hơn cho các khí chất.

 

Khi người Hy Lạp nói về các nguyên tố, họ đang có ý nói về các thực thể vô hình đứng đằng sau mọi thứ hữu hình và nó có thể ở trong nhiều loại hình dạng nhất trên thế giới. Ví dụ như, với khái niệm “nước” thì họ hiểu rằng bất kỳ thứ nào giống như thế hoặc là các chất lưu, dù là trong đại dương, trong hồ nước, các con sông, con suối, nước mưa hay giọt sương. Nhưng thủy ngân cũng thuộc nhóm này nữa. Và những nguyên tố nay mang các phẩm chất của cả vật chất và tâm linh.


Các con trồng cây trong chậu nhỏ

Các con trồng cây trong chậu nhỏ

Thay vì bắt đầu phần phân tích này bằng danh sách của Hippocrates, hãy tự hỏi chính mình: Khí chất nào có một mối quan hệ đặc biệt với nguyên tố lửa, với hơi ấm?

(Ghi chú: phần này tác giả viết như vậy là vì trong tiếng Anh dùng bốn từ choleric, sanguine, phlegmatic và melancholic để chỉ các khí chất và bốn từ này không có liên quan trực tiếp đến các nguyên tố lửa, khí, đất, nước, một điều mà bản dịch tiếng Việt đã thể hiện trực tiếp thông qua cách dịch các khí chất, ví dụ như tính lửa – ND).

Chúng ta hãy tưởng tượng ra các hình thức khác nhau của lửa: một ngọn đèn cầy, cục than đang cháy, lửa trong bếp củi, một ngọn lửa trại, một ngọn lửa mừng, một đám lửa đốt bằng dầu, một căn nhà cháy khi bị sét đánh, những đám cháy rừng, một vụ phun trào núi lửa với dòng dung nham cháy đỏ, hủy diệt của nó. Rồi ta hãy tự hỏi chính mình: khí chất nào mang tính nóng nảy, dễ “bùng nổ”, hoàn thành mọi thứ với một nhiệt huyết mạnh mẽ – và, trong tình huống xấu nhất, phun trào như một ngọn núi lửa? Hiển nhiên là những thứ này có liên hệ đến tính lửa! Chúng ta thậm chí có thể sử dụng từ “cái đầu nóng” để miêu tả nên họ và khuyên họ nên “giữ một cái đầu lạnh”.


Các sản phẩm thủ công các con tự làm

Các sản phẩm thủ công các con tự làm

Còn về không khí thì sao? Chúng ta hãy cùng xem xét đến các hình thái khác nhau của nguyên tố này trong tự nhiên. Người ta nói rằng có những hơi thở nhẹ nhàng đang “chơi đùa” xung quanh chúng ta. Nhưng chúng cũng có thể trở thành những luồng gió tươi mát, và rồi một cơn gió thổi nhẹ nhàng lúc đầu, sau đó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và ngày càng mạnh bạo hơn, thổi bay cả những chiếc lá ra khỏi cành cây và cuối cùng trở thành một cơn bão hay một trận cuồng phong hủy diệt.

 

Không khí xung quanh chúng ta thật nhẹ nhàng và rất linh động, kết nối chúng ta với tất cả những thứ khác, truyền tải âm thanh trong giọng nói của ta đến những người khác và giúp ta hít thở và vì thế mà chúng ta có thể duy trì được sự sống. Thật thú vị khi có những cơn gió nhẹ nhàng thổi thoáng qua chúng ta, và rồi lại bay một chỗ khác ngay sau đó.

 

Trong số các khí chất, có một loại có thể được so sánh với làn gió tươi mát trong một ngày nắng đẹp, thổi quanh ta một cách thích thú và làm chúng ta cảm thấy vui sướng. Coi nào! Đó là con người mang tính khí mà thường được ví như là người “vô tư” (happy-go-lucky); người mang tính linh hoạt và linh động tuyệt vời, yêu thích nhiều ấn tượng khác nhau, không nấn ná lại bất kỳ điểm nào lâu hay là thích thú giải quyết những công việc nhiều thời gian, thoáng chốc đã cuốn theo cơn gió và rồi biến mất. Trong những buổi tiệc và các lễ kỷ niệm, họ giống như là một “luồng không khí tươi mát” với một tâm hồn nhẹ tênh bên trong; họ làm lan tỏa thiện chí và luôn giúp tạo ra một bầu không khí tốt lành. Khi tính khí hoạt động quá mức (trong tiếng Đức chúng tôi nói rằng đó là một người “stürmisch” hay “bão tố”), có lẽ chúng ta sẽ bắt gặp một sự kết hợp giữa tính khí và tính lửa. Và khi các nhà khí tượng học miêu tả thời tiết trong một ngày không mây bằng từ “yên bình”, chúng ta có thể liên hệ điều này đến tính khí-nước.


Chơi đếm số bằng vỏ sò

Chơi đếm số bằng vỏ sò

Chúng ta vừa mới đề cập đến một vài biểu hiện của nguyên tố nước; bây giờ chúng ta sẽ tập trung vào một trong số chúng. Hãy cùng tưởng tượng ra một bờ hồ yên lặng, thật yên bình đến nỗi mà mặt nước của nó nhìn như thể là một tấm gương, với hình ảnh các ngọn cây và dãy núi phía xa phản chiếu trên đó. Một con cá trồi lên mặt hồ lẹ làng, đớp lấy con côn trùng và rồi lại biến mất. Nhưng rồi mặt hồ phải mất một lúc lâu để trở lại như trước: Các con sóng lăn tăn tỏa ra mọi hướng, chạm vào rìa bờ hồ, và rồi lại quay ngược trở về – một cách nhịp nhàng và hài hòa – dần dần trở nên yếu đi cho đến khi mọi thứ tĩnh lặng trở lại, và mặt hồ lại trở thành một tấm gương như trước. Một đặc điểm khác của nước đó chính là nó tạo ra thành từng giọt hình cầu, ví dụ như sương mai. Khi nó chảy một cách chậm rãi như trong một dòng sông hay con suối uốn lượn, thì nó lại trở lại thành những đường cong lớn. Một đặc điểm khác liên quan đến sự xoay chuyển liên tục nữa là: một lượng nước cực lớn liên tục bốc hơi mỗi ngày, ngưng tự lại thành các đám mây và rồi trở về trái đất dưới dạng các cơn mưa đem lại sự sống. Nhưng nước cũng có thể đông lại trở thành băng và tồn tại ở thể rắn ở hai đầu cực và trong các ngọn núi băng giá. Đối với các khí chất, nước chiếm lấy một vị trí trung gian giữa khí và đất, một vị trí đặc biệt có ý nghĩa.

 

Thật không khó để ta có thể tìm ra được khí chất tương ứng với nó: đó chính là người tính nước, với lòng yêu chuộng hòa bình, mang tính cách thanh thản, yêu thích sự cân bằng. Giống như một con sông mãi mãi chảy qua một con đường theo một hình dạng không thay đổi, người tính nước yêu thích việc thiết lập các thói quen; và họ cũng có một xu hướng mang một thân mình tròn trịa.

 

Nếu như chúng ta nhìn vào một cách kết hợp khác của các khí chất, chúng ta có thể nhận ra và so sánh chúng với những quan sát của mình về nước trong tự nhiên: Cách chúng di chuyển khi bốc hơi và hình thành mây có thể xem như là một bức tranh về tính nước-khí, trong khi sự hình thành băng giá cô đặc thì lại hướng về tính đất tương ứng với tính nước-đất.


Đồ chơi trong lớp học Steiner sẽ là những món đồ chơi hoàn toàn tự nhiên

Đồ chơi trong lớp học Steiner sẽ là những món đồ chơi hoàn toàn tự nhiên

Cuối cùng nhưng cũng không kém quần quan trọng, chúng ta hãy xem xét đến nguyên tố đất. Các biểu hiện của nó chủ yếu ở trong các hình dạng của đất. Chúng ta có thể nghĩ đến một đồng bằng bao la, các con đồi, vùng đồi núi hay thậm chí là những vùng cực nóng hay cực lạnh: một sa mạc thiêu đốt và một vùng cực băng giá. Vậy thì cụ thể là cảnh nào có thể được chúng ta liên tưởng đến tính đất? Chúng ta hãy tưởng tượng ra một ngọn núi hùng vĩ, một phần được rừng bao phủ: ở phía xa là đỉnh núi cao cao phủ tuyết; ở phía trước là những vách đá khổng lồ nhô lên. Nơi đây có những tảng đá từ thuở sơ khai gợi nhớ đến những thời đại trước đây, những khối đá granite rắn chắc bên cạnh những hòn đá cuội được vo viên bởi dòng nước từ hàng nghìn năm, mời gọi những kẻ lang thang đến nghỉ ngơi. Từ đây, mọi người có thể trông ra phía xa, và mặt đất với tất cả vẻ đẹp của nó nằm ngay dưới chân của họ.

 

Chúng ta có thể tin tưởng vào mặt đất vững chắc dưới chân chúng ta, thứ mà những hòn đá đã tạo ra cho ta. Chúng là biểu tượng của sức mạnh, sự nặng nề, sự tĩnh lặng và trường thọ. Trái lại chúng ta sẽ cảm thấy bất an nếu như chúng ta phải lội qua một đầm lầy! Ta sẽ gặp phải vấn đề nếu như mặt đất bên dưới bị sụt lún.

 

Trái ngược với hình ảnh này của nguyên tố đất, chúng ta hãy tưởng tượng ra một hang động mà chúng ta đi vào đó với một sự do dự nhất định, hay thậm chí là sự tôn kính. Ở đây chúng ta sẽ được trải nghiệm bóng tối, độ sâu của hang và cả sự khó khăn khi xuyên qua nó, bí ẩn của nguyên tố đất. Nhưng trong cái bóng tối này, những nhà khoáng vật học có thể khám phá ra các loại khoáng sản hiếm có và những viên tinh thể lấp lánh đẹp đẽ nhất với những màu sắc và hình dạng diệu kỳ!

 

Người mang tính đất cảm thấy sức nặng và sự cứng nhắc nơi bản thân họ và cũng muốn thoái lui, rút vào bên trong họ – cũng giống như là lui về trong một cái hang. Họ sở hữu tính hướng nội tuyệt vời nhất, và trong tất cả các khí chất, việc hình thành những suy nghĩ rõ ràng và những ý nghĩ logic là điều dễ dàng nhất với tính đất. Các bạn có thể luôn luôn tin tưởng họ. Họ luôn giữ lời hứa và ghi nhớ những điều mà ai đó đã nói, hứa, hoặc là làm cho họ: thật không dễ để họ có thể quên được thứ gì đó! Họ cũng có thể tuân thủ theo trật tự, có tính tỉ mỉ và yêu thích những cấu trúc. Họ chỉ là quá thân quen với bóng tối của nguyên tố đất bên trong họ và trải nghiệm nó một cách mãnh liệt hơn là những người khác, ví dụ như họ sẽ buồn bởi vì họ cảm thấy thất vọng hoặc thậm chí là vì bị lừa gạt.

 

Liệu ta có thể nhận ra được những cảnh quan nào tương ứng với các sự kết hợp khác nhau của tính đất? Bất cứ nơi nào mà nước và đất tiếp xúc với nhau, chúng ta có thể cảm nhận được đặc điểm của tính đất-nước và nghĩ về các kiểu bờ biển khác nhau, những vùng đầm lầy hay thậm chí là các hòn đảo. Mặt khác, bất cứ nơi nào đất và lửa gặp nhau, chúng ta có thể tìm thấy được một sự pha trộn của tính đất-lửa và chỉ cần nghĩ về cảnh của một ngọn núi lửa đang hoạt động, nơi mà những dòng chảy nham thạch liên tục hình thành và không bao giờ ngừng nghỉ!

 


Chúng ta phải biết ơn vì đã có hai thầy thuốc Hy Lạp Hippocrates và Empedocles làm nhiệm vụ liên kết giữa bốn khí chất và bốn nguyên tố mà chúng ta vừa thử hình dung ban nãy. Những khía cạnh này đã được thêm vào trong hình vẽ bên dưới:

Các khí chất theo hai thầy thuốc Hy Lạp Hippocrates và Empedocles

Các khí chất theo hai thầy thuốc Hy Lạp Hippocrates và Empedocles