[Bốn Khí Chất dành cho Giáo viên] Phần 49: Các phong cách kể chuyện và các khí chất

Các phong cách kể chuyện và các khí chất

Nếu như chúng ta muốn miêu tả một điều gì đó cho các bé tính lửa, chúng ta phải chuyển tâm trạng của mình sang yếu tố lửa, nghĩa là chúng ta phải trở nên ấm áp, hăng hái, hoặc thậm chí là sôi nổi bên trong – phụ thuộc vào mức độ của chủ đề ta đang kể. Thỉnh thoảng, lời nói của chúng ta nên phát ra sức nóng! Đối với các đoạn miêu tả dành cho các bé tính khí, chúng ta phải hòa mình vào trong nguyên tố khí và trở nên nhẹ nhàng, sống động, hoạt bát và nhanh nhẹn bên trong. Còn với các trẻ tính nước, chúng ta sẽ tiếp cận được với chúng khi tâm hồn của chúng ta tuôn chảy nhịp nhàng như một dòng nước. Yếu tố đất có liên kết gần gũi đến với hình dạng, và chúng ta sẽ tiếp cận các bé tính đất một cách hiệu quả khi chúng ta hình thành và xây dựng cấu trúc câu một cách hợp lý, sử dụng các phép diễn đạt chi tiết và phức tạp.

Các loài cá

Chúng ta hãy cùng nhìn xa hơn vào trong thế giới động vật và cân nhắc xem làm thế nào mà chúng ta có thể miêu tả cho chúng nghe, ví dụ như, về các loài cá. Bởi vì các loài cá khác nhau sẽ có tên khác nhau ở mỗi quốc gia, nên chúng ta hãy cùng tập trung vào một vài khía cạnh tổng quát để chúng ta có thể tự mình chọn ra các loài phù hợp.

 

Có những loài cá có thể phóng thật nhanh và mạnh mẽ bên dưới làn nước; chúng thích ở những chỗ như là các con sông, nơi có những dòng nước trào lên các tảng đá đánh bọt trắng xóa và làm văng nước tung tóe; chúng thậm chí có thể bay lên khỏi mặt nước, và một số loài khác thì lại liên tục đi cùng với nhau thành những bầy lớn và cùng nhau chuyển hướng bơi một cách hoàn toàn tự nhiên – đó sẽ là những loài cá mà các bé tính khí sẽ rất thích.

IMG_20220520_092557_459

Các con xách cỏ về trang trí cho block dệt thiên nhiên

Còn có những loài cá khác thì lại bơi một cách chậm rãi, thích nhâm nhi thức ăn, chỉ ăn các loài thực vật và sống rất yên bình. Thậm chí còn có một số loài thích còn thích ngâm mình dưới đáy sông – đây là những câu chuyện mà các trẻ tính nước có thể đồng cảm được.

 

Những loài cá thích ẩn nấp một mình bên dưới các loài thực vật thủy sinh, tránh khỏi ánh nhìn của các loài khác hoặc là thậm chí vùi mình xuống dưới lớp bùn; hoặc là những loài thích cuộc sống đơn độc và vì thế mà những kẻ cô độc như chúng sẽ có thể thật sự chiếm được cảm tình của các bé tính đất nếu như chúng được miêu tả đúng cách.

 

Và cuối cùng, các bé tính lửa sẽ bị ấn tượng bởi các loài cá săn mồi với những màn rượt đuổi con mồi không ngừng nghỉ, những mối nguy hiểm mà chúng đem lại, và cuối cùng là những hành vi khó mà đoán trước được cũng như là tính phàm ăn của chúng.

Các loài chim

Chúng ta cũng có thể khám phá ra nhiều loài khác nhau trong vương quốc các loài chim để rồi ta có thể dùng để áp dụng các phong cách kể chuyện khác nhau. Số lượng các loài chim có lẽ sẽ đủ để cho chúng ta tưởng tượng ra bốn loại quan trọng nhất: các loài chim biết hót, các loài chim săn mồi, các loài chim nước và các loài chim đầm lầy.

 

Sẽ thật dễ dàng để chúng ta miêu tả các loài chim biết hót theo một phong cách để các bé tính khí có thể đặc biệt dành hết tâm trí của mình nghe những câu chuyện liên quan đến chúng, như là tài ca hát, những tiếng ríu rít hớn hở. Chúng thường thức dậy thật sớm để đảm bảo mình có thể cùng hòa ca vào buổi sáng, sở hữu bộ lông sặc sỡ kèm những cú lượn vòng nhanh nhẹn và duyên dáng. Thật là một trải nghiệm ấn tượng khi ta được nhìn cảnh một chú chim sơn ca cất cánh thẳng đứng và rồi nghe tiếng nó hót!

IMG_20220520_091958_861

Làm dáng trong muôn vàn hoa lá

Còn các loài chim săn mồi thì khác biệt làm sao, ví dụ như là loài đại bàng chẳng hạn! Nó bay vượt lên trên tất cả các loài khác và rồi lượn từng vòng một cách oai vệ! Bỗng nhiên, đôi mắt tinh anh của nó phát hiện một chú gà vàng nhỏ – thậm chí ở khoảng cách hàng mấy cây số! Nó bắt đầu đâm bổ thẳng xuống dưới như một tia chớp, xếp cánh của nó lại, bay ngày càng nhanh hơn và dừng lại đúng ngay phía trên con mồi! Và những chiếc móng vuốt sắc nhọn đã quắp lấy con mồi, mặc cho con mồi đang dùng mỏ của mình mổ và cắn! Và rồi nó lại phóng lên không trung – vị vua của bầu trời! Đây là chính là loài chim cho các bé tính lửa.

 

Chúng ta nhìn thấy những chú vịt đang bơi một cách hết sức nhàn nhã, hoàn toàn không vội vã chút nào. Thỉnh thoảng chú lại nhúng cái đầu của mình xuống nước chén lấy một ít thức ăn, và rồi tiếp tục thư thả nổi trên mặt nước một cách yên bình. Chú chải lông của mình và cuối cùng giấu cái đầu của mình phía dưới đôi cánh. Các bé tính nước sẽ thấy mình có liên quan nhất đến các loài chim nước.

 

Khi chúng ta thấy một con chim thường sống ở đầm lầy đang sải bước, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến dáng đi của một vị giáo sư uyên bác lơ đãng. Chúng ta hãy tưởng tượng về một con cò hoặc một con hạc: Với cái đầu ngẩng lên cao và dáng thẳng đứng, nó bước đi oai vệ một cách có chủ đích, thậm chí còn tỏ vẻ trang trọng, và nó thường đứng im một chỗ dưới đầm lầy trong một thời gian dài, mắt dõi nhìn về phía xa. Khi nó tìm kiếm thức ăn, nó sẽ cúi cái cổ dài của mình xuống, hạ cái đầu nhỏ nhắn của mình xuống nước, và khéo léo tìm ra được con mồi nó đã nhận thấy khi còn đang đứng thẳng mà không hề tỏ ra một chút vẻ tham lam nào cả. Với các trẻ tính đất, chúng ta có thể dùng cách kể chuyện thích hợp với chúng để mô tả những loài chim này một cách thật sống động.

Các loài chim và khí chất tương ứng

Các loài chim và khí chất tương ứng

 

Bóng của các loài chim trong sơ đồ phía trên sẽ cho chúng ta mường tượng được qua hình ảnh về những gì vừa được miêu tả. Chúng được vẽ bởi C.A. Feldmann (sống tại thành phố Hague), và anh đã gọi chúng là “Bốn khí chất qua hình dạng loài chim”. Những ví dụ về bốn nhóm chim này đã cho chúng ta thấy rõ là chúng có quan hệ đến bốn khí chất, cũng là các yếu tố nền tảng cho bốn phong cách kể chuyện khác nhau.