[Bốn Khí Chất dành cho Giáo viên] Phần 50: Cách dạy môn Thực Vật cho từng khí chất

Môn thực vật

Hai ví dụ dưới đây sẽ cho chúng ta thấy làm thế nào mà chúng ta có thể mô tả được về các loài thực vật cho từng loại khí chất. Chúng ta trước hết sẽ cùng quan sát bốn loài cây lớn và rồi sau đó sẽ đến chi tiết về các bộ phận trên một cái cây.

Các loài cây lớn

Chúng ta sẽ cố gắng đưa ra bốn cách mô tả khác nhau về đặc điểm của các loài cây để tất cả bạn đọc có thể tìm ra được những loài thích hợp cho từng khí chất riêng biệt.

 

Để khơi dậy nhiệt huyết trong các trẻ tính khí, các loài cây phải có đặc tính nhẹ nhàng, uyển chuyển và linh động; cành nhánh nhỏ nhắn của chúng phải dễ dàng đung đưa qua lại trong gió; đám lá cây bé tí sẽ đổi sang màu sặc sỡ vào mùa thu và chúng sẽ phát ra tiếng xào xạc mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua. Gỗ của chúng mọng nước, tươi tắn; còn thớ gỗ thì cũng rất đẹp. Chúng ta có thể nghĩ ngay đến loài cây bạch dương. Và một số loài khác như cây dương lá rung cũng có những đặc điểm như trên.

 

Đối với những trẻ tính lửa, chúng ta có thể tả cho chúng nghe về những loài cây có nhiều mắt trên thân, cành của chúng mọc theo nhiều góc nhọn, như thể là chúng muốn chuyển sang một hướng khác nhau qua từng năm vậy. Một vài loài cây thậm chí còn có một mối liên hệ đặc biệt đến nguyên tố lửa: Vỏ của chúng được sử dụng để làm da cho các vật dụng – sử dụng một quy trình tương tự như một quy trình đốt cháy yếu. Đây chính là cây sồi với những chiếc lá hình bàn tay và gỗ của nó thì cực kỳ cứng. Như đã đề cập ở trên, những giáo viên dạy dạy nghề mộc đầy kinh nghiệm sẽ đưa loại gỗ này cho các bé tính lửa để chúng có thể giải tỏa bớt năng lượng dư thừa của mình qua quá trình làm ra những cái tô chẳng hạn.

 

Chúng ta có thể miêu tả cho các bé tính đất nghe về những loài cây có các cành rũ xuống dưới như thế chúng đang buồn rầu vậy. Rất nhiều loài cây như vậy thường mọc bên bờ suối. Chúng rũ xuống như thể là chúng đang cúi đầu xuống vậy, và thậm chí là chúng còn để cho phần đầu của các cành cây chạm mặt nước. Rồi theo năm tháng, bên trong thân của chúng sẽ có những lỗ hổng vì phần gỗ đã bị phân hủy và biến thành đất. Nguyên tố đất đóng vai trò chủ đạo trong những loài cây như thế. Chúng ta đang miêu tả cụ thể về cây liễu, nhưng cũng có các loài cây khác thể hiện một hình ảnh ảm đạm như vậy.

 

Giờ thì chúng ta còn phải tìm ra các loài cây dành cho các bé tính nước nữa. Ta có thể kể cho chúng nghe các loài cây, sau một thời gian dài, có thân thật dày và ngọn cây thì thật là hùng vĩ. Chúng có nhiều cành nhánh và lá cây thì um tùm đến nỗi mà chúng tạo thành một cái vòm lá dày đặc một cách kinh ngạc. Có vẻ như là chúng có rất nhiều sinh lực hơn so với các loài cây khác, và nhiều loài trong số chúng có thể sống thật lâu. Cây đoạn (tiếng Anh: linden) chính là một loài như thế. Xưa kia ở Đức, người ta thường trồng chúng nơi các làng mạc và thị trấn nhỏ quanh các quảng trường hay nơi họp chợ. Và khi chúng đã đủ to, một cái ghế hình tròn thường được đặt quanh thân của chúng để mọi người có thể tận hưởng thú vui ngồi đàm đạo cùng bạn bè thân hữu vào buổi tối. Nhiều loài chim làm tổ ở trên ngọn của chúng. Và khi hoa nở, chúng ta có thể nghe thấy tiếng vo ve từ sáng đến tối: vô số các loài côn trùng, nhiều nhất là ong, sẽ đến đây để đi tìm loại mật đặc biệt thơm ngon. Và nhựa của cây đoạn thì đúng là dồi dào đến nỗi mà vào mùa hè, chúng sẽ chảy nhựa ra ngoài và rơi xuống đồ vật ở phía bên dưới. Vì vậy chúng ta có thể thấy rằng những loài cây này có một mối quan hệ đến với nguyên tố nước.

Quá trình phát triển của cây và Bốn Nguyên tố cơ bản

Bốn khí chất và các bộ phận tương ứng ở thực vật

Bốn khí chất và các bộ phận tương ứng ở thực vật

Khi chúng ta miêu tả về cách mà các loài thực vật, như cây hoa hồng chẳng hạn, sẽ phát triển như thế nào từ lúc chúng còn đang bắt đầu mọc rễ cho đến khi chúng nở hoa và ra quả, chúng ta có thể chia ra thành bốn giai đoạn để cho các bé thấy được một mối quan hệ thú vị đến các nguyên tố cơ bản:

  1. Sự hình thành rễ giống như một kết nối đến mặt đất – quá trình cắm rễ vào nguyên tố đất
  2. Quá trình phát triển nhịp nhàng của thân và lá – một quá trình mà nguyên tố nước đóng một vai trò quan trọng
  3. Quá trình phát triển của tràng hoa sặc sỡ và nhị của nó; nguyên tố khí sẽ hoạt động mạnh nhất lúc này
  4. Sự hình thành quả và hạt, thời điểm mà nguyên tố lửa có tầm quan trọng đặc biệt.

 

Chúng ta sẽ bắt đầu bằng cách kể cho chúng nghe câu chuyện làm thế nào mà hạt giống cây đã nảy mầm từ trong đất, nở một cái chồi bé tí hướng lên trên và đồng thời bắt đầu kết nối với đất thông qua cái rễ nhỏ xíu của nó, rồi cái rễ lại tiếp tục đi xuống dưới và nằm lại đó trong bóng tối một cách khiêm tốn; chúng muốn phục vụ cây hoa hồng bằng cách trở thành một điểm tựa ngày càng vững chãi hơn. Chúng ta có thể “tô điểm” các khía cạnh như thế này một cách phù hợp trong phần mô tả của mình dành cho các bé tính đất.

 

Vào giai đoạn thứ hai, ta phải tả cảnh cái chồi cây sẽ vươn ra khỏi mặt đất, mọc ra hai chiếc lá mầm và rồi bắt đầu phát triển theo từng khoảng thời gian đều đặn từ phần thân chính, đến các nhánh cây và rồi cả những chiếc lá nữa. Cũng giống như các loài cây khác, trong quá trình phát triển thông qua dòng nhựa cây lưu thông lên xuống, cây hoa hồng của chúng ta cần nhiều nước. Chúng ta hãy cùng quan sát cách nó lớn lên: nó sẽ cao hơn một chút, rồi lại nghỉ một chút và mọc ra một chồi lá, rồi nó lại cao hơn một chút nữa, lại ngừng một chút để ra tiếp một chồi lá khác. Quá trình này tiếp tục được diễn ra cho đến khi nó ngừng phát triển hoàn toàn và mọc ra những chồi hoa trên đầu các cành cây. Nếu như chúng ta quan sát từ trên xuống một cây hoa hồng đã phát triển hoàn chỉnh, chúng ta sẽ khám phá ra được rằng những cành lá của nó đã được hình thành theo một nhịp điệu, theo nhiều giai đoạn: Từng cành mới của nó sẽ mọc ra ở vị trí bằng khoảng hai phần năm đường tròn bao quanh thân cây. Và khi đến giai đoạn thứ năm, cành của nó sẽ mọc ra theo năm hướng khác nhau và lúc này nó sẽ trông giống như một ngôi sao năm cánh, một hình ngũ giác khi nhìn từ phía trên. Khi miêu tả những ý này, chúng ta nên ngầm đề cập bé tính nước với nguyên tố nước của chúng và cố gắng khơi gợi sự quan tâm của chúng về mối liên hệ đến hình học này. Khi chúng ta miêu tả quá trình phát triển của cây cũng như sự hình thành nên các lá, ta có thể dễ dàng áp dụng phong cách kể chuyện theo kiểu tính nước, bởi vì đó là một sự lặp lại liên tục. Chúng ta cũng có thể mô tả quá trình này bằng cách nói với chúng rằng cái cây sẽ co lại khi nó đang hình thành nên phần thân và rồi nó sẽ mở rộng hơn mỗi khi nó ra được một chiếc lá mới.

 

Giờ thì sẽ là lúc cây ra hoa. Đầu tiên, ta sẽ thấy năm lá đài bao quanh lấy bông hoa, vì hoa phải nở dần dần bên trong lớp bảo vệ của chúng. Và rồi các lá đài mở ra để lộ các cánh hoa đã được phát triển hoàn toàn và đầy màu sắc sặc sỡ giống như cánh của chú bướm vậy. Chúng sẽ vươn lên phía trên, hướng mình về phía mặt trời và tỏa hương thơm ngào ngạt. Các nhị hoa màu vàng bắt đầu mở ra và chìa phần phấn màu vàng ra cho các loài côn trùng. Chúng đang đợi các vị khách đến thăm và bày biện thật nhiều thức ăn cho họ. Ta có thể nghe được tiếng vo ve của các loài côn trùng suốt ngày! Còn nhụy hoa, với phần bầu nhụy và đầu nhụy, thì đứng thẳng một cách đầy kiêu hãnh ngay chính giữa đóa hoa tuyệt vời này. Cũng giống như các loài cây khác, cây hoa hồng của chúng ta muốn tỏa mùi hương ra xung quanh khi hoa nở, dâng hiến hoàn toàn bản thân nó cho thế giới xung quanh. Không khí và ánh sáng là các yếu tố tạo nên bông hoa và ta sẽ không gặp nhiều khó khăn để tìm ra cách kể chuyện phù hợp để khơi dậy lòng nhiệt tình của các bé tính khí cho giai đoạn này của cây hoa.

 

Sau khi hoa nở thì trái của nó sẽ bắt đầu được hình thành! Bầu noãn sẽ nở ra, lớn dần lên, và phát triển thành một loại quả có màu sắc sặc sỡ. Và quả của nó được người ta đặt tên là quả hoa hồng. Hơi ấm của mặt trời sẽ giúp nó lớn và chín dần. Nhưng phía bên trong loại quả sáng bóng này thì điều ngược lại đang diễn ra, nhưng mắt người không thể nhìn thấy được: Tại đây, cái cây sẽ tập hợp tất cả sinh lực của nó, cô đặc chúng lại theo một cách bí ẩn và nhờ thế mà chúng tạo ra các hạt giống cho sau này. Quả của nó có thể mềm, mọng nước và rất thơm ngon với con người và các loài vật, nhưng những hạt bên trong đó thì lại khô và không được ngon lắm. Cứ như là mặt trời đã dùng tất cả sức nóng của mình để làm bốc hết hơi nước và ta có thể nói là hạt của nó giống như đã bị “nướng” vậy.

 

Trong giai đoạn này thì nguyên tố lửa sẽ đóng vai trò quyết định, và hoàn toàn hợp lý để chúng ta kể cho các bé tính lửa nghe, theo một lối kể chuyện phù hợp, về quả và hạt của chúng, mô tả một cách chính xác chúng trông như thế nào, rồi ta sẽ có cảm giác thế nào khi chạm vào chúng, và vị của chúng ra sao, rồi làm thế nào ta có thể thu hoạch chúng, loài thú nào dùng chúng làm thức ăn, v.v…

 

Theo cách này hoặc là một cách tương tự, chúng ta có thể khơi gợi mối quan tâm của các bé về tất cả các loài cây; và bằng cách sử dụng các phong cách kể chuyện khác nhau, chúng ta có thể làm cho chúng cảm thấy đồng cảm một cách mạnh mẽ hơn với những gì mà chúng ta sẽ mô tả cho chúng nghe.